Tái chế quần áo từ "núi rác" thời trang nhanh ở sa mạc

Kim Ngọc
06/02/2025 - 15:16
Tái chế quần áo từ "núi rác" thời trang nhanh ở sa mạc

Người mẫu mặc trang phục được tận dụng từ quần áo đã qua sử dụng

Khoác lên người những lớp vải denim, Sadlin Charles sải bước giữa đống quần áo bỏ đi ở sa mạc Atacama (Chile). Trang phục của anh làm từ những thứ được tìm thấy trong đống rác xung quanh. Mỗi năm 60.000 tấn quần áo đã qua sử dụng được chuyển đến đây.

Sống cách một bãi rác của khu vực sa mạc Atacama khoảng 5 phút lái xe, Ángela Astudillo (27 tuổi), đồng sáng lập tổ chức phi lợi luận Desierto vestido, thường thấy xe tải chở đầy rác chạy ngang qua nhà cô và hít phải khói từ các đám cháy do đốt quần áo. Astudillo bị đe dọa khi ghi lại hình ảnh để phản ánh về những gì đang xảy ra. Tổ chức của Astudillo đã hợp tác với Fashion Revolution Brazil, một phong trào hoạt động liên quan đến ngành thời trang và công ty quảng cáo Artplan để mở một buổi trình diễn thời trang. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về tác động môi trường của rác thải từ ngành thời trang và chứng minh tiềm năng của quần áo đã qua sử dụng bị bỏ đi.

Maya Ramos, nhà tạo mẫu 32 tuổi đến từ bang São Paulo (Brazil), đã thiết kế bộ sưu tập cho 8 người mẫu Chile. Astudillo thu gom quần áo từ các bãi rác phù hợp với chủ đề về 4 yếu tố - đất, lửa, không khí và nước. Sau đó, Ramos đến sa mạc Atacama để thiết kế và cắt may quần áo. Mỗi bộ đồ thể hiện thông điệp về tác động của ô nhiễm môi trường do thời tranh nhanh đến đời sống của người dân địa phương. Buổi trình diễn diễn ra hồi tháng 4/2024, được gọi là "Tuần lễ thời trang Atacama 2024". Một sự kiện tương tự cũng đã được lên kế hoạch cho năm 2025. "Người dân ở đây đang sống trong nghèo đói. Vấn đề không chỉ là thời trang và chuỗi cung ứng mà còn là một vấn đề xã hội. Do thiếu kết nối với thiên nhiên, con người đang tiêu dùng nhiều hơn mức cần thiết", Ramos nói.

Tái chế quần áo từ "núi rác" thời trang nhanh ở sa mạc- Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh cho thấy “núi rác” quần áo ở sa mạc Atacama, Chile - Ảnh: Skyfi

Theo Liên hợp quốc, thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới, tạo ra khoảng 20% lượng nước thải của hành tinh và khoảng 10% lượng khí thải nhà kính. Trung bình mỗi năm có 92 triệu tấn rác thải hàng may mặc được tạo ra trên toàn cầu. Mỗi giây, có một lượng quần áo tương đương một chiếc xe tải bị vứt ở một bãi chôn lấp trên thế giới.

Khi thời trang nhanh ngày càng phát triển, một cách vứt bỏ quần áo phổ biến ở các nước phát triển là đem đến các điểm từ thiện. Nhưng cuối cùng, chúng lại đến các quốc gia ở phía Nam bán cầu, nơi có hoạt động buôn bán quần áo đã qua sử dụng khá nhộn nhịp.

Quần áo đã qua sử dụng bị vứt bỏ ở Alto Hospicio trên  sa mạc Atacama. Thống kê cho thấy, có ít nhất 39.000 tấn quần áo bị vứt bỏ trong khu vực này mỗi năm

Quần áo đã qua sử dụng bị vứt bỏ ở Alto Hospicio trên sa mạc Atacama. Thống kê cho thấy, có ít nhất 39.000 tấn quần áo bị vứt bỏ trong khu vực này mỗi năm

Tại Accra, thủ đô của Ghana, các mạng lưới quần áo trải dọc bờ biển trong khi hàng núi rác thải từ hàng may mặc chất đống ở một số khu vực của thành phố. Năm 2023, hình ảnh những bộ quần áo bỏ đi chất đống ở Atacama của Chile nhìn từ trên cao đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Tại thành phố Iquique, phía bắc Chile, khi quần áo được chở đến, chúng sẽ được công nhân phân loại, sau đó được vận chuyển bằng xe tải đến các bãi chứa gần Alto Hospicio. Tại đô thị có khoảng 130.000 dân này, quần áo được phân loại kỹ hơn và bán lại trong các cửa hàng nhỏ hoặc tại La Quebradilla, một khu chợ ngoài trời chuyên bán quần áo đã qua sử dụng.

Sadlin Charles mặc trang phục denim được tận dụng từ quần áo đã qua sử dụng

Sadlin Charles mặc trang phục denim được tận dụng từ quần áo đã qua sử dụng

Ở Chile, người ta cấm đổ rác thải dệt may vào bãi chôn lấp. Vì vậy, những mặt hàng không bán được sẽ bị vứt bỏ trên sa mạc. Hầu hết chúng đều được làm từ polyester, một loại vải có thời gian phân hủy lên tới 200 năm. Khi đốt những bộ quần áo này sẽ thải ra khói độc, làm hư hại đất, tầng ozone và sức khỏe của người dân địa phương.

Chính quyền địa phương đã đưa ra mức phạt 180.000 peso (tương đương hơn 5 triệu đồng) với hành vi xả rác trên sa mạc. Tuy nhiên, chỉ những khu vực gần nơi người dân sinh sống mới được giám sát, thực tế có rất ít người bị phạt và việc đổ rác trên khu vực sa mạc Atacama vẫn tiếp diễn. Chile đã thực thi "Luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất", nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý rác thải, đồng thời buộc các nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về rác thải mà họ tạo ra. Tuy nhiên, những quy định của luật này chưa bao gồm quần áo và các sản phẩm dệt may.

Nguồn: Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm