pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao nói: “Ngồi lê đôi mách”?, từ “đôi” trong câu này có nghĩa bất ngờ
Nhắc tới "ngồi lê đôi mách", ai cũng biết đây là cụm từ thường được dùng để diễn tả hành động ngồi lê la chỗ này chỗ khác để nghe ngóng chuyện người này đem mách cho người kia. Đây thường là những chuyện riêng tư, vặt vãnh có thể gây nên sự nghi hoặc, mất đoàn kết.
"Mách" là "nói lại"/"mách lẻo", "ngồi lê" là "lân la nơi này nơi nọ". Còn "đôi" là gì? Nhiều người cho rằng, "đôi" ở đây là "hai", bởi muốn tám chuyện thì ít nhất phải có hai người trở lên. Thực tế, "đôi" trong câu này là "giãi bày", "phân bua". Từ "đôi" với nghĩa này xuất hiện trong một số văn bản cổ: “Thưa rằng: “Vốn thực không đi/Có ai làm chứng, tôi thì xin đôi” (Truyện Tây Sương, câu 1417-1418).
Một thành ngữ khác có nghĩa tương tự "ngồi lê đôi mách" là "buôn dưa lê". Cụm từ này cũng dùng để chỉ hoạt động của những người hay la cà rồi đem chuyện của người này, người kia nói cho nhau nghe, không loại trừ tình tiết thêm thắt, thêu dệt.
Yếu tố dưa gợi liên tưởng đến từ láy dây dưa, với nghĩa kéo dài lằng nhằng hết ngày này qua ngày khác. Ngoài ra, từ này còn gợi nhớ đến dưa lê - một loại quả tròn, màu trắng ngà hay vàng nhạt, cùi giòn, thơm ngọt. Những lúc không có khách, những người bán hàng thường ngồi phệt dưới đất tán chuyện gẫu chờ khách. Rất có thể các yếu tố dưa và lê trong từ dưa lê (tên một loại quả) gợi liên tưởng dưa trong dây dưa, lê trong ngồi lê, lê la. Như vậy, bằng nhiều hướng liên tưởng khác nhau, người ta đã tạo nên thành ngữ "buôn dưa lê".