Tại sao sinh viên Sài Gòn 'rồng rắn' chen nhau đăng ký thi TOEIC?

03/12/2018 - 16:55
Đến sáng 3/12, hàng ngàn sinh viên tại TPHCM vẫn còn chen chúc nhau để đăng ký thi chứng chỉ TOEIC tại Trung tâm IIG Việt Nam (Q.3, TPHCM). Đỉnh điểm là cuối tuần qua, nhiều sinh viên đã xếp hàng từ 3-4h sáng để nhận số thứ tự hẹn ngày vào đăng ký.

Mệt mỏi từ bốc số đến đăng ký

a11.jpg
Trung tâm IIG quá tải vì thí sinh đến đăng ký quá đông 

Trước thông tin TOEIC thay đổi cấu trúc đề thi, số lượng câu mỗi phần từ ngày 15/2/2019, ngay sau khi trung tâm IIG mở đăng kí cho đợt thi tháng 1, sinh viên TPHCM nháo nhào đến đăng ký.

Sinh viên Nguyễn Thanh Nghĩa (trường CĐ Kinh tế Đối Ngoại, TPHCM) thở phào nhẹ nhõm sau khi đã đăng ký xong thủ tục dự thi TOEIC. Từ đêm 1/12, Nghĩa và nhiều bạn đã thức trắng đêm, chen chúc xếp hàng để lấy số thứ tự đăng ký dự thi chứng chỉ tiếng Anh. “Em đến nơi mới 5 giờ sáng nhưng đã có người chờ từ 3 giờ để lấy được số thứ tự hẹn thời gian đăng ký thi rồi. Cũng may là em đi sớm nên hôm nay mới làm xong thủ tục đăng ký thi vào tháng 1. Theo như em thấy thì thời gian thi từ 18/1 – 31/1 gần như đã đủ thí sinh, cho nên các bạn đăng ký càng về sau sẽ ít có cơ hội lựa chọn thời gian thi”.

a2.jpg
Các sinh viên đang ngồi chờ để gọi tên vào đóng phí dự thi 

Cùng chung tâm trạng, sinh viên Trương Thanh Nhàn (ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết: “Hôm thứ 7 tụi em phải chen lấn rất nhiều để bốc số hẹn ngày. Hôm nay lại tiếp tục chen lấn, chờ đợi để được làm thủ tục đăng ký, nộp tiền. Đa phần các bạn hay đăng ký thi vào các ngày cuối tuần nhưng bây giờ đầy hết cả rồi, em phải đăng ký thi sang chiều thứ 6. Nói chung là bây giờ còn ngày nào trong tháng 1 thì đăng ký thi ngày đó thôi, không có nhiều sự lựa chọn. Nếu đăng ký không được thì đành thi theo cấu trúc đề mới thôi chứ biết làm sao”. 

Nguyễn Văn T. (ĐH Công nghiệp TPHCM), một sinh viên đi thi TOEIC lần 3 cho biết: Mấy lần đi thi trước em đăng ký rất dễ dàng, không cần xếp hàng ở dưới tầng trệt để bốc số và hẹn ngày tới đăng ký gì đâu. Thông thường em bấm chọn số thứ tự tại máy điện tử, rồi điền thông tin và nộp tiền tại một quầy của IIG thôi. Chỉ có mấy hôm nay là phải chen lấn. Em hiện là sinh viên năm cuối nhưng vẫn chưa đạt được chuẩn đầu ra nên em phải đăng ký thi tiếp”.

Sinh viên Trương Thanh Nhàn (ĐH Kinh Tế ) chia sẻ: “4h30 em đến nơi mà số thứ tự của em đã là 1293 và sáng nay em phải mất cả nửa ngày để làm thủ tục đây ạ. Lần đầu tiên em thấy một cảnh tượng hết sức bấn loạn, hoang mang như vậy. Không ai dám nhúc nhích vì sợ sẽ mất chỗ, cảnh tượng như dân tị nạn”.

Sợ mất “mẹo” làm bài

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, học viện trên cả nước đều yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, khá nhiều sinh viên còn hạn chế về ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều sinh viên thi 4 -5 lần mà vẫn chưa đạt được số điểm chuẩn đầu ra theo yêu cầu của trường mình. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đang ôn tập theo cấu trúc đề cũ nên sợ sang cấu trúc đề mới sẽ thiếu tự tin và sợ đề mới khó hơn.

 

1.jpg
Hình ảnh hàng trăm sinh viên chen lấn để bốc số thứ tự lên đăng ký 

Lý giải về việc chen nhau đăng ký, một sinh viên phân tích: Thời gian thi theo cấu trúc đề cũ chỉ còn từ đây đến 15/2/2019. Nhưng tháng 12 thì đã hết thời gian đăng ký và chỉ còn tháng 1/2019. Còn thời gian từ 1 - 15/2/2019 rơi và dịp Tết Nguyên đán nên sẽ không thi được.  Bởi vậy, các bạn tranh thủ đi đăng ký sớm để có suất thi vào tháng 1. Nếu thi trượt đợt này thì phải thi theo cấu trúc đề mới.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Ngọc Thủy (ĐH Kinh tế) bộc bạch: “Thầy em nói là đổi cấu trúc đề thi và khó hơn chứ không nói tại sao đổi. Em học tiếng Anh cũng không được giỏi lắm nên cái nào dễ thì thi thôi. Em sợ nhất là phần nghe mà sắp tới trong  nội dung phần nghe có thêm người thứ 3, sẽ khó nghe hơn. Nếu không thi sớm  mất công mai mốt ôn thi lại theo dạng mới”.

Một trong những lý  do của việc chen lấn đi đăng ký thi theo cấu trúc đề cũ là sợ mất mẹo làm bài. Nhiều sinh viên thẳng thắn chia sẻ: Trong quá trình ôn tập tại các trung tâm, các thầy cô đã chỉ ra các mẹo làm bài để có được điểm khá hơn. Bởi đó là những kinh nghiệm từ thầy cô đúc kết ra. Với dạng đề mới, thầy cô phải cập nhật lại và học viên phải mất thêm một khoảng thời gian để ôn tập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm