pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao trẻ nên chậm đến trường 1 tuần?
Từ hôm nay, ngày 3/2/2020, hầu hết học sinh trên toàn quốc sẽ nghỉ học thêm 1 tuần để phòng virus Corona. Điều này gây ra rất nhiều xáo trộn cho các gia đình và không ít phụ huynh phản đối việc cho trẻ nghỉ học.
PNVN xin giới thiệu một góc nhìn của chị Đỗ Thùy Dương – đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, đồng tác giả cuốn sách Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 về việc tại sao trẻ nên chậm đến trường 1 tuần:
Với những sự sống chết, thời gian tính bằng gì?
Ngày, tuần, tháng, năm?
Với việc chuẩn bị cho dịch bệnh, chúng ta cần gì?
Thời gian & Sự bình tĩnh chấp nhận nghịch cảnh là những thứ không mua được bằng tiền. không tranh cướp được ở chợ đen.
Một tuần so với thời gian của dịch bệnh có thể là ít ỏi nhưng để chuẩn bị chu đáo, để trẻ được vượt qua giai đoạn đầu của cơn dịch trong sự nhắc nhở kèm cặp riêng tư của từng gia đình. Đây là sự khởi đầu quan trọng đối diện với sự thay đổi.
Trẻ sẽ có thể vô tâm coi thường dịch bệnh nhưng tất cả những bản tin sáng tối, rồi đến quyết định nghỉ học sẽ khiến trẻ nhận thức được tầm quan trọng và tính nghiêm túc của dịch bệnh.
Mỗi đứa trẻ lại rất riêng nên cũng cần được làm quen với những thói quen mới bằng sự chi tiết của gia đình. Trường học có nơi 35 trẻ một cô nhưng không ít nơi 50 trẻ một cô. Điều kiện sinh hoạt có nơi đầy đủ nhưng nhiều nơi thiếu thốn và thói quen hiếu động của các con sẽ khiến nguy cơ tăng cao
Chúng ta rồi sẽ tiếp tục phải sống, học tập và làm việc dẫu bất cứ điều gì xảy đến, nhưng nếu được chuẩn bị kỹ, sẽ không phải rơi vào những rủi ro có thể tránh được
Một tuần không đẩy lùi được bệnh dịch, nhưng một tuần sẽ có thêm nhiều khẩu trang được sản xuất, có thêm nước rửa tay, có thêm cả kinh nghiệm sống với nguy cơ bằng tâm thế chủ động
Tư duy tích cực và lạc quan là để sống sáng suốt, sáng suốt rồi thì phải giành lấy tâm thế làm chủ vấn đề
Và cảm ơn một tuần để chúng ta rèn các con phòng dịch, giúp các con cẩn trọng mà không sợ hãi, lạc quan mà không chủ quan và biết cách ứng phó với tình huống
Biết rằng việc ở nhà với con là xa xỉ, nhưng muốn ở nhà để giúp con khỏe mạnh. Đâu phải năm nào cũng dịch, đâu phải lúc nào ta cũng làm việc theo cách bán mạng kiếm tiền.
Và quan trọng hơn, mỗi lần đối diện nghịch cảnh, là một lần cả gia đình cùng nhau trưởng thành, cùng nhau lớn mạnh
Sau này, bọn trẻ sẽ nhắc về tuần nghỉ Tết thêm này với sự lạc quan, và sự bền bỉ khi biết rằng không có điều gì khiến cha mẹ chúng sợ hãi, chúng sẽ mang theo ký ức, rằng một điều rất đáng sợ đã đến nhưng chúng ta đã vượt qua và "tự nhiên" được chơi và ăn nhiều đồ ngon mẹ nấu.
Vậy, tuần này, có đáng tiếc đến thế không???
Chúc các con được chuẩn bị đủ hành trang tâm lý và đồ vệ sinh phòng dịch cá nhân khi trở lại trường. Sẽ còn nhiều cuộc chiến, và chúng mình cùng nhau thắng với yêu thương,
"Không cầu đời dễ dàng mà hãy nguyện vững vàng để vượt qua nghịch cảnh".
Chị Đỗ Thùy Dương tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2001 và hoàn thành khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2006. Sau nhiều năm làm việc tại các tập đoàn trong nước và quốc tế, chị startup thành công với Công ty CP Hội tụ nhân tài – TalenPool. Chị đã được trao thưởng nhiều danh hiệu: Giải thưởng nữ Doanh nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hiệp hội VCCI, Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam và HNEW năm 2015; Giải thưởng Nữ trí thức xuất sắc tiêu biểu của Hội Nữ trí thức năm 2015; Giải thưởng Nữ doanh nhân Tài năng và Phong cách VCCI & HNEW 2013.
Chị là một trong những người trẻ nhất được bầu chọn là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đỗ Thùy Dương cũng là đồng tác giả cuốn sách Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 (cùng với tác giả người Áo Irene Ohler) do NXB Phụ nữ phát hành.