pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao trời lạnh dễ gây đau nhức xương khớp? Có phòng tránh được không?
1. Đau nhức xương khớp là gì?
Đau nhức xương khớp là tên gọi chỉ chung tình trạng xương/khớp bị đau nhức, tê buốt hay cứng khớp,... Tình trạng này thường gặp ở cổ tay, cổ chân, các khớp ngón tay, đầu gối,...
Mức độ đau nhức xương khớp từ nhẹ tới nặng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là do bệnh lý hay chỉ do không giữ ấm đúng cách. Cụ thể:
- Bị viêm khớp dạng thấp, chứng cứng khớp
- Thoái hóa cột sống lưng gây đau dây thần kinh liên sườn hay gây viêm khớp.
Một điều càng cần phải lưu ý nữa là người bệnh khi bị đau nhức xương khớp sẽ hạn chế cử động, chính điều này sẽ khiến các khớp của bạn không có "cơ hội" được mềm dẻo, linh hoạt trở lại.
Các cơn đau nhức thường xuất hiện vào ban đêm, không những ảnh hưởng tới hệ xương khớp mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, tới giấc ngủ của người bệnh. Nếu như những cơn đau này không được điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như cứng khớp, suy nhược chức năng vận động,..
2. Giải thích cơ chế gây đau nhức xương khớp mùa lạnh theo y học cổ truyền và hiện đại
Đối với chứng đau nhức xương khớp mùa lạnh thì Y học cổ truyền và Y học hiện đại đều có các cách giải thích khác nhau. Cụ thể như sau:
- Theo Y học cổ truyền thì yếu tố hàn thấp (lạnh ẩm) sau khi xâm nhập tới cơ thể sẽ gây nên những chứng bệnh liên quan tới đường hô hấp và hệ xương - khớp, đặc biệt là đối với người già.
- Theo Y học hiện đại giải thích thì: khi thời tiết trở lạnh kèm mưa nhiều, không khí ẩm thấp sẽ tiếp xúc và đi vào cơ thể thông qua các lỗ chân lông ở da. Khí lạnh này khiến các mạch máu bị co lại, lúc này lượng máu được đem đi nuôi dưỡng xương/khớp, nuôi dưỡng các bao hoạt dịch hay sụn khớp bị giảm lại, từ đó gây ra các cơn đau nhức.
Điều này cần đặc biệt lưu ý đối với người cao tuổi. Ở người cao tuổi mạch máu đã không còn đàn hồi tốt nên rất dễ bị tác động bởi nguyên do thời tiết. Hơn nữa do dịch khớp bị suy giảm nên các hoạt động của xương khớp sẽ gặp trở ngại lớn. Chính vì thế mà những cơn đau cũng dễ gặp hơn.
Y học hiện đại cũng cho biết rằng, thực chất cảm giác bị đau nhức xương khớp chính là do bệnh lý gây ra. Cơn đau đến từ những tổn thương hay viêm tại vùng khớp và tại bao hoạt dịch. Còn yếu tố về thời tiết, về trời lạnh hay ẩm thấp chỉ là một yếu tố khởi phát của bệnh, làm rõ hơn các biểu hiện hay tăng thêm về tần suất cơn đau.
3. Hướng dẫn đối phó với chứng đau nhức xương khớp mùa lạnh
Dựa theo giải thích trên, thì để đối phó với chứng đau nhức xương khớp mùa lạnh cần chú ý những điều dưới đây:
3.1. Đối phó giảm nhẹ tác động của thời tiết
- Hạn chế ra ngoài quá sớm
- Cần giữ phòng ấm, đặc biệt là phòng ngủ. Tốt nhất hãy đóng cửa lại khi ngoài trời quá rét.
- Mặc quần áo ấm, giữ ấm tay chân, cổ khi ra ngoài và kể cả khi ở nhà trong trường hợp nhà của bạn không đủ ấm
- Với các vùng bị đau nhức có thể sử dụng các phương pháp giảm nhẹ như xoa bóp, massage với dầu gió hay chườm nóng, chườm thảo mộc
- Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý để cơ thể có thể bù lại phần năng lượng mất đi do phải giữ ấm cho cơ thể.
3.2. Điều trị, xác định tình trạng và nguyên nhân gây bệnh
- Điều đầu tiên mà người bị đau nhức xương khớp mùa lạnh cần chú ý đó là nên tới cơ sở khám chữa bệnh uy tín để xác đinh chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì, là do khớp bị thoái hóa, các vấn đề viêm/tổn thương khớp khác hay đơn thuần là viêm khớp phản ứng.
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason,...) hoặc thuốc không steroid (meloxicam, mobic...). Nguyên nhân là những thuốc giảm đau hay kháng viêm này đều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Hơn nữa nếu bạn đang điều trị bệnh khác thì thuốc có thể sinh ra các phản ứng phụ.
Ví dụ như người bị hen suyễn nếu sử dụng thuốc không steroid có thể khiến đợt hen bùng phát. Hay như người đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng nếu uống thuốc cortison (prednosolon, methylprednosolon, solu-medrol...) hoay uống aspirin thì có thể dẫn tới nguy cơ xuất huyết dạ dày cấp tính, nếu như không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
- Khi được bác sĩ kê đơn thuốc thì bạn nên:
Khi uống thuốc giảm đau hay thuốc kháng viêm steroid cần uống vào khoảng thời gian từ 6 - 8h sáng để các sinh hoạt và chức năng sinh lý của cơ thể không bị ảnh hưởng
Uống thuốc đúng giờ, đúng lưu ý (thuốc nào cần uống trước, thuốc nào cần uống sau bữa ăn)
Uống thuốc bằng nước lọc, không dùng nước canh hay nước trái cây thay thế vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc
Bạn nên hỏi bác sĩ nếu phải uống nhiều hơn một loại thuốc xem các thuốc có cần uống cách nhau không.
- Vận động nhẹ nhàng, đều đặn với các bài tập thể dục phù hợp với từng mức độ đau nhức. Khi tập nếu cơn đau tăng lên thì cần dừng lại ngay lập tức.
- Giữ cân nặng hợp lý để giảm áp lực cho khớp.
Người bệnh cần lưu ý, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nếu cần thiết có thể nhờ thêm sự hỗ trọ từ các chuyên gia dinh dưỡng và thể thao.
4. Phòng chống như thế nào?
Đau nhức xương khớp mùa lạnh có thể phòng tránh được. Điều quan trọng là bạn phải biết cách giữ ấm cơ thể, tránh cho gió lạnh, không khí ẩm tiếp xúc với da trần. Vì thế bạn cần mặc đủ ấm khi ra ngoài và khi ở nhà.
Nếu có hiện tượng đau nhức mỏi khớp xảy ra, đặc biệt là khi ngủ dậy thì bất kể là bạn đang bị đau ở vị trí nào hãy cố gắng làm nóng khu vực đó bằng việc bôi dầu, chườm nóng hay cạo gió,... để mạch máu có thể giãn lại bình thường và đi nuôi các khớp, bao hoạt dịch,.. giảm tình trạng đau mỏi.
Khi tắm hãy tắm trong phòng kín gió, khi tắm xong cần phải lau khô người và mặc ngay quần áo vào để phòng tránh nguy cơ bị cảm lạnh.