pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tài xế bị đột quỵ khi đang chở khách tại TPHCM đã qua đời
Theo thông báo từ nhà xe Vinh Hoa, anh N.T.B (53 tuổi) - tài xế xe khách chạy tuyến thị xã La Gi, Bình Thuận - TPHCM, bị đột quỵ tử vong khi đang lái xe chở khách tại quận 5, TP.HCM - đã qua đời và được đưa về nhà tại KP4, phường Tân An, thị xã La Gi để gia đình lo hậu sự.
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn camera hành trình trên xe ghi lại vào sáng 2/9, khi anh B. đang lái xe chở khách thì ngã gục, co giật, có dấu hiệu đột quỵ. Dù đã gục xuống vô lăng, nhưng anh vẫn cố gắng dừng chiếc xe giữa phố để không gây tai nạn cho người khác.
Đến khi phát hiện tài xế có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hành khách trên xe đã khẩn trương gọi điện thoại cấp cứu.
Được biết, nam tài xế bị đột quỵ tên N.T.B, thuộc nhà xe Vinh Hoa, chuyên phục vụ tuyến TP.HCM - Thị xã La Gi (Bình Thuận).
Sau khi clip lan truyền trên mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp, hành khách hay đi xe khách tuyến yến thị xã La Gi, Bình Thuận - TPHCM đã bày tỏ tiếc thương đối với nam tài xế.
Trước đó, khoảng 12h30 ngày 1/9 tại km1726+630 Quốc lộ 1A qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế lái ôtô chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong.
Thời điểm trên, xe ôtô khách 16 chỗ mang BKS 61B - 013.XX do tài xế L.H.D (sinh năm 1974) điều khiển hướng Phan Thiết đi TPHCM. Khi đến địa điểm trên thì có dấu hiệu bị đột quỵ và xe khách trôi, cạ vào dải phân cách cứng giữa đường mới dừng lại.
Theo các chuyên gia y tế, khi gặp người có dấu hiệu bị đột quỵ, những người xung quanh cần thực hiện ngay các động tác sơ cứu sau:
- Cùng với việc gọi cấp cứu 115, cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
- Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng.
- Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.
- Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh.
- Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh. Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.
- Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh. Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.