Tắm nước lá mùi già ngày cuối năm giảm mệt mỏi nhưng cần lưu ý 5 điều này

Kim Phụng
11/02/2021 - 19:23
Tắm nước lá mùi già ngày cuối năm giảm mệt mỏi nhưng cần lưu ý 5 điều này
"Thấy lá mùi già là thấy Tết! Vào ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường đun một nồi nước lá mùi già thật to để tắm rửa, thanh lọc cơ thể, xua tan mệt mỏi,... Tuy nhiên cần lưu ý 5 vấn đề sau để không gây hại cho sức khoẻ" - Lương Y Bùi Hồng Minh chia sẻ.

Tắm bằng nước lá mùi già là một điều không thể thiếu trong Tết truyền thống của người Việt Nam. Ngoài việc đem lại hương thơm thanh mát cho cơ thể thì trong đông y và một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước lá mùi già đun lên có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe và tinh thần.

1. Công dụng của nước lá mùi già

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, rau mùi ta có vị cay, tính ôn, thơm, có thể sử dụng tất cả các bộ phận để làm thuốc.

"Toàn cây rau mùi có tinh dầu với thành phần chính là coriandrol, chiếm đến 70%, hàm lượng caroten (tiền vitamin A) trong lá cao gấp 10 lần cà chua, dưa chuột, canxi, sắt cũng cao hơn những loại rau khác", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.

Các công dụng (tác dụng) của lá mùi già có thể kể đến như:

- Giảm căng thẳng, mệt mỏi, đau nhức cơ

Lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ rằng, hương thơm của lá mùi có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi nhờ hỗ trợ lưu thông khí huyết. Từ đó, tắm nước lá mùi già hay sử dụng tinh dầu lá mùi có tác động tích cực tới những người bị suy nhược thần kinh, hay bị đau nửa đầu hoặc đang gặp phải các cơn đau nhức cơ.

Truyền thống tắm nước lá mùi già ngày cuối năm: giảm mệt mỏi, đau cơ,... nhưng cần lưu ý điều này! - Ảnh 2.

Nước lá mùi già đun lên tắm có tác dụng giảm nhức mỏi, đau cơ (Ảnh: Internet)

Vì thế mà lá mùi cũng được biết đến trong một số bài thuốc chữa phong thấp, thấp khớp hay giải cảm.

- Hỗ trợ đào thải độc tố

Theo bác sĩ Minh Tân, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, tinh dầu lá mùi già chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có tác dụng giúp làn da sạch sẽ, kháng khuẩn và viêm nhiễm hiệu quả. Nên việc tắm nước lá mùi già cuối năm cũng phần nào giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả.

Đây cũng là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Medical Microbiology, các nhà khoa học Đại học Nội vụ Beira, Bồ Đào Nha.

Do vậy, với việc ứng dụng các đặc tính của tinh dầu lá mùi trong ngành công nghiệp thực phẩm và y học có thể giúp hạn chế việc phát triển các ổ viêm đường tiêu hoá, hô hấp,... do vi trùng hay siêu vi gây ra.

2. Lưu ý khi tắm nước lá mùi già cuối năm

- Không nên tắm khi đang bị các bệnh viêm da

Không chỉ tắm nước lá mùi già mà khi sử dụng bất kì một loại nước lá nào để tắm khi đang bị viêm da cơ địa, trầy xước da, nhiễm trùng da,... đều nên cẩn thận và cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Truyền thống tắm nước lá mùi già ngày cuối năm: giảm mệt mỏi, đau cơ,... nhưng cần lưu ý điều này! - Ảnh 3.

Bị viêm da không nên tắm nước lá vì có thể khiến bạn bị nhiễm khuẩn nặng hơn (Ảnh: Internet)

- Đun sôi, rửa sạch trước khi đun để loại bỏ vi khuẩn hay tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật

Ngày nay, để "kịp" có lá mùi bán cho người tiêu dùng vào ngày 30 Tết thì nhiều người sử dụng các chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu,... nên cần sơ chế, làm sạch kĩ trước khi đem đun để tắm hay rửa mặt.

Khi đun, cần đun sôi nước; không nên chỉ đun cho nước hơi nóng đã bỏ ra để dùng luôn.

- Pha loãng trước khi dùng

Các bác sĩ cho biết, không nên tắm nước mùi già khi ở trạng thái quá đặc. Tốt nhất nên pha loãng ra rồi mới sử dụng.

Không phải nước càng đậm đặc thì càng có tác dụng tốt hơn. Thậm chí có thể phản tác dụng, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Truyền thống tắm nước lá mùi già ngày cuối năm: giảm mệt mỏi, đau cơ,... nhưng cần lưu ý điều này! - Ảnh 4.

Nên pha loãng nước lá mùi để dùng, không nên tắm với nước dùng đặc (Ảnh: Internet)

- Không tắm khi vừa ăn no xong

Kể cả việc tắm nói chung hay tắm bằng nước lá mùi già cuối năm nói riêng thì không nên tắm khi vừa ăn no xong.

Khoa học giải thích rằng, sau khi ăn no xong các mạch máu trong cơ thể ở trạng thái căng lên, tình trạng thiếu máu khiến tim có thể đập nhanh hơn dẫn tới hoa mắt, chóng mặt. Do vậy nếu tắm vào thời điểm này có thể gây nguy hiểm.

- Ai không nên tắm nước lá mùi già?

Như đã nói ở trên, người đang mắc các bệnh viêm da, da bị nhiễm khuẩn đều không nên tắm nước lá mùi.

Ngoài ra, nhiều mẹ mách nhau việc tắm lá mùi cho trẻ bị sởi để nốt sởi nhanh khỏi, nhanh bay hơn. Điều này hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Thậm chí còn vô tình khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng không mong muốn.

Điều này cũng tương tự với trẻ đang mắc bệnh thủy đậu. Tốt nhất, với trẻ sơ sinh, việc tắm bất kì loại lá nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm