Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao từ 4 đến 13 tuổi hiệu quả nhất

09/08/2018 - 10:55
Sau gần 2 tháng triển khai chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí ở trẻ em trước tuổi dậy thì” (từ 23/6 đến ngày 5/8/2018), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã tiếp nhận tổng cộng 347 trẻ đến khám và điều trị.
Qua quá trình thăm khám ban đầu cùng với việc chụp X-quang xương bàn tay để xác định tuổi xương, có 47 bé bị nghi ngờ thiếu hormone tăng trưởng. Khi làm xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu thì trong 47 bé, có 26 bé được xác định thiếu hormone tăng trưởng và đã được chỉ định điều trị ngay sau đó.
 
Đây là lần thứ hai Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai chương trình này. Trong lần đầu tiên tổ chức vào năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận gần 200 ca đến khám và điều trị. Trong đó, có 10 trường hợp được chẩn đoán và phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng. Bệnh viện dự kiến sẽ đưa chương trình trở thành hoạt động thường niên nhằm hỗ trợ ngày càng nhiều trẻ được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao kịp thời.
 
Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như thiếu hormone tăng trưởng, di truyền, dinh dưỡng, bệnh nội khoa hay do thể trạng... Trong đó, tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
 
2.jpg
Nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện để tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.

 

Hormone tăng trưởng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ và là hormone đóng vai trò quyết định về chiều cao trong giai đoạn phát triển của trẻ. Trẻ bị lùn do thiếu hormone tăng trưởng hoàn toàn có thể điều trị được. Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng có thể giúp trẻ đạt chiều cao bình thường khi trưởng thành. Những trẻ đáp ứng thuốc tốt có thể tăng khoảng 10cm/năm.
 
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lưu ý nên cho trẻ tầm soát sớm để điều trị kịp thời. Việc điều trị cần phải tiến hành trong giai đoạn từ 4 đến 13 tuổi. Nếu trẻ đã dậy thì, các sụn đầu xương của bé đã đóng lại nên việc sử dụng hormone tăng trưởng không còn hiệu quả.
 
3.JPG
Việc điều trị chậm tăng trưởng  chiều cao cần tiến hành trong
giai đoạn từ 4 đến 13 tuổi.

 

 
Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-50cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái sẽ tăng khoảng từ 6-10cm/năm, bé trai từ 6,5-11cm/năm. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm để được điều trị kịp thời.
 
TS.BS. Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết  - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Xu hướng bù đắp bằng liệu pháp dinh dưỡng khi thấy con thấp bé rất phổ biến ở các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng thì bổ sung dinh dưỡng sẽ không có tác dụng. Mặt khác, nếu thấp bé hơn bạn bè cùng trang lứa, trẻ cũng sẽ có xu hướng mặc cảm, tự ti. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tầm soát sớm để tìm đúng nguyên nhân, có thể can thiệp kịp thời, cải thiện chiều cao cho trẻ càng sớm càng tốt.”
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm