Tâm sự của người vợ suýt chết vì bị chồng giẫm ngang cổ họng

21/09/2016 - 18:15
Đối với những ông chồng có hành vi bạo hành vợ thì không cần xử phạt hành chính mà bắt những người này phải lao động công ích.
Không dám để tóc dài vì sợ chồng đánh

Về cuộc đời của mình, chị Thủy (SN 1957 ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể, năm 1972, chị kết hôn khi mới vừa tròn 15 tuổi. Chồng chị là cháu của một người bạn mẹ chị. Gia đình hai bên thấy “hợp hợp” nên ghép với nhau thành đôi.

Từ năm 1973 – 1981, 4 người con của chị lần lượt chào đời. Chồng chị vốn là một nhà thầu xây dựng nên hầu như phải đi suốt ngày, tất tần tật mọi việc trong nhà đều đến tay chị. Thế nhưng, thay vì chia sẻ với vợ con, chồng chị lại bắt đầu thói “trăng hoa”. Ban đầu, chị cố gắng chịu đựng để gia đình được yên ấm. Nhưng sau này, thấy việc chồng ôm ấp người đàn bà khác diễn ra trước mắt, không chịu đựng được, chị đã phải lên tiếng. Tuy nhiên, tất cả những lời chị nói như bỏ thêm dầu vào lửa. Chẳng những chồng chị không nghe mà còn bắt đầu đánh đập, bạo hành chị.
chi-nguyen-bich-thuy.JPG
 Chị Nguyễn Bích Thủy đau xót kẻ về những kí ức kinh hoàng mà mình đã từng phải trải qua.
Những trận đòn đến trong cơn say, những cơn nóng giận và khiến chị trở thành một con người bất hạnh, cô độc. “Anh ấy đánh tôi khi không có các con bên cạnh. Lúc đầu thì tát vào mặt, đánh đấm vào người. Sau đó thì càng ngày càng tàn bạo hơn. Nỗi đau thể xác một phần thì nỗi đau tinh thần càng lớn hơn trăm lần. Tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng”, chị Thủy nhớ lại.

Chị Thủy kể, có lần đang ngồi ăn cơm thì chồng chị hất đổ hết thức ăn rồi vớ lấy chiếc gậy phía sau đánh tới tấp vào lưng. Lần khác, chị lại bị chồng đánh cho gãy tay, phải nằm bệnh viện điều trị cả tuần lễ. Hay có khi, chị đang ngồi giữa nhà thì chồng nắm lấy tóc đâm đầu vào tường, vào tủ quần áo cho đến khi máu me be bét thì mới chịu dừng lại. “Hàng mấy năm trời, tôi không dám để tóc dài mà lúc nào cũng cắt tóc ngắn cũn như đàn ông bởi ám ảnh từ những trận đòn của chồng”, chị Thủy chua xót.

Thậm tệ hơn, có lần chị còn bị chồng vật ngã xuống nhà rồi dùng chân giẫm ngang ở cổ họng, đến lúc tưởng như chị sắp tắt thở thì mới chịu dừng lại. Kết quả của những trận đòn năm xưa bây giờ vẫn còn in hằn trên cơ thể chị, khi chị vẫn phải uống thuốc thường xuyên, trên người chi chít sẹo.

Đã hơn 1 lần chị Thủy tìm đến cái chết nhưng đều được người nhà phát hiện kịp thời. Đến lúc không thể chấp nhận được những trận đòn vô cớ của chồng, chị Thủy quyết định đưa các con đi sống ở một nơi khác, xem như hai vợ chồng đã ly thân. Chị quay về với công việc may vá để lấy tiền chăm sóc gia đình. Đến giờ, các con chị lớn đều đã lập gia đình và có cuộc sống khá ổn định.
2.jpg
 Bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Không cần phạt hành chính, chỉ bắt lao động công ích

Hiện nay, ngoài công việc may vá hàng ngày thì chị còn tham gia vào công tác đoàn thể ở khu phố, đặc biệt là tư vấn, hỗ trợ cho những chị em phụ nữ bị bạo hành. Với những kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân, chị trở thành một người hướng dẫn, tư vấn cho nhiều chị em cách thoát khỏi bạo lực gia đình.

Theo chị Thủy, đối với những ông chồng có hành vi bạo hành vợ thì không cần xử phạt hành chính mà bắt những người này phải lao động công ích. “Nếu phạt hành chính thì chính người vợ phải đóng phạt để đưa chồng về. Nên để họ lao động công ích thì sẽ hiệu quả hơn”, chị Thủy cho hay.

Chị Thủy cũng đề nghị, đối với những chị em không may bị chồng bạo hành thì nên tạo điều kiện để các chị được tư vấn tâm lý một cách chu đáo. Đặc biệt, xã hội cần tạo điều kiện để các chị có công ăn việc làm ổn định; tự khẳng định giá trị, chỗ đứng của bản thân trong xã hội.

Chị nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng bạo hành gia đình, các cấp Hội cần tăng cường tập huấn cho cán bộ Hội các cấp trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, phải tiếp tục truyền thông sâu rộng cho chị em hội viên phụ nữ hiểu rõ về Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

“Bạo hành gia đình vẫn còn nhiều và người phụ nữ vẫn âm thầm chịu đựng nó như chính bản thân tôi ngày xưa. Đa phần chị em không muốn nói ra điều đó vì nhiều lẽ, vì xấu hổ hay sợ hãi. Tôi chỉ luôn tâm niệm rằng phải làm sao cho những trường hợp bạo hành giảm xuống, để mọi gia đình đều có được một hạnh phúc trọn vẹn” – chị Thủy tâm niệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm