"Những cô gái radium” là ai?
Tháng 9/2018 tại Anh, NXB Simon & Schuster đã phát hành cuốn The Radium Girls (Những cô gái radium) của nữ tác giả Kate Moore nói về kỷ nguyên đen tối của phóng xạ, tiếng chuông cảnh tỉnh về an toàn lao động. Chuyện kể về công việc vẽ mặt đồng hồ bằng sơn được làm giàu radium phát sáng.
Đây là công việc nghệ thuật, nhàn nhưng lại cho thu nhập cao đối với các cô gái trẻ tại hãng United States Radium Company (USRC), đóng tại quận Cam, New Jersey, Mỹ. USRC là nơi cung cấp các loại đồng hồ và thiết bị đo lường cho quân đội Mỹ. Do radium có thể phát sáng trong bóng tối nên các nữ công nhân này được thuê mướn vẽ sơn radium lên mặt đồng hồ để giúp lính Mỹ có thể nhìn rõ mặt đồng hồ trong bóng tối.
Theo trang tin Allthatsinteresting (ATIC) của Mỹ, nơi đăng tải lại vụ nhiễm độc kinh hoàng nói trên: Ngày nay, mặt đồng hồ phát sáng không lạ, nhưng cách đây cả thế kỷ, nó thực sự là một “phát minh sáng chói”, giúp quân đội Mỹ có thể đọc được các thiết bị đo lường trong điều kiện tối trời.
Vào năm 1917, một trong những nhà máy đầu tiên của USRC chuyên sản xuất đồng hồ phát sáng ở New Jersey đã đi vào hoạt động. Ban đầu, USRC tuyển dụng gần 100 phụ nữ trẻ đến làm việc và vào lúc cao điểm có hơn 300 nữ công nhân làm việc, chưa kể nam giới, trong đó nhiều người trong cùng một gia đình làm việc.
Công việc duy nhất của họ là dùng bút lông để vẽ sơn làm giàu radium lên mặt các loại đồng hồ. Mỗi lần vẽ, các cô gái trẻ lại đưa lên miệng vuốt cho bút sắc để sơn cho rõ nét. Cứ như vậy, họ đã nuốt không ít sơn có chứa radium vào người. Những người quản lý của nhà máy khẳng định, loại sơn này an toàn, thậm chí thời điểm đó người ta còn tuyên truyền radium là tốt cho sức khỏe.
Do tuyên truyền quá mức nên các cô gái trẻ ở USRC cứ vô tư tiếp xúc, đôi khi còn sơn cả radium lên răng hay trên cơ thể, “phát ánh sáng hào quang xanh” khiến bạn trai phải giật mình. Mặc dù việc phơi nhiễm này rất nguy hiểm nhưng các cô gái ở USRC lại không được trang bị bảo hộ như các đồng nghiệp nam hoặc được cảnh báo.
“Mỗi lần sơn lên mặt đồng hồ, chúng tôi thường dùng miệng để vuốt bút nên nuốt phải radium. Nhiều quảng cáo hồi đó rùm beng radium là “nước thần” có thể cải tử hoàn sinh, chữa được nhiều bệnh, nên chúng tôi cứ vô tư tiếp xúc”, Grace Fryer, nữ công nhân làm việc tại USRC cho hay.
Loại sơn radium phát sáng thông qua cơ chế chuyển hóa phóng xạ thành ánh sáng nhờ huỳnh quang. Radium cũng nhanh chóng được sử dụng trong một liệu pháp chống ung thư. Do liệu pháp này thành công, nên radium trở thành một dược phẩm quyền năng, được sử dụng giống cách chúng ta dùng vitamin.
Từ đây xuất hiện một trào lưu “cuồng radium”, được người ta bổ sung vào mọi thứ, thậm chí cả thực phẩm và nước uống như sản phẩm có tên Radithor mà không biết hay nó rất nguy hiểm. Khi nuốt vào, radium hoạt hóa giống như canxi. Do cơ thể sử dụng canxi để tạo xương, nên radium vào cơ thể qua đường tiêu hóa bị nhầm là canxi, được hấp thụ vào xương, phát sinh tình trạng hoại tử xương và ung thư xương. Tùy theo lượng radium thu nạp, như liều cao mà các nữ công ở USRC phơi nhiễm có thể gây chết người rất nhanh.
Cái kết đắng
Cũng phải nói thêm rằng, vào đầu thập niên 20 ở thế kỷ trước, các loại đồng hồ phát sáng của quân đội Mỹ được xem là những sản phẩm ưu việt, nhưng mặt trái lại ít được quan tâm, nhất là nguy cơ phóng xạ từ radium. Sự phát quang trên mặt đồng hồ là do các nguyên tử của nguyên tố hoạt động như những cục pin nhỏ. Các photon ánh sáng tấn công nguyên tử radium, đẩy các electron lên quỹ đạo cao hơn. Sau khi mặt trời lặn, những electron đó tự phát rơi vào quỹ đạo thấp hơn, phát ra ánh sáng
Thật không may, yếu tố phát sáng này lại có “mặt tối” bởi đồng vị ổn định duy nhất của radium là radium-226, có chu kỳ bán rã 1.600 năm. Chừng nào nó còn tồn tại, cho dù là dạng gì, radium cũng sẽ nhả ra các hạt alpha về mọi hướng.
Thông thường, bức xạ alpha là vô hại với liều lượng nhỏ bởi trong tự nhiên đều tồn tại dạng này nhưng ở mức an toàn. Nếu thâm nhập vào bên trong cơ thể, nó tàn phá các mô. Khi radium đến bên cạnh các tế bào trong cơ thể hoặc thâm nhập vào máu, giống như khi nó đi qua một màng nhầy như nướu, sẽ tạo thành một “khẩu súng máy” siêu nhỏ được đặt trong các mô cơ thể. Radium sau đó bắn ra các hạt làm cho tế bào đột biến, tìm diệt các tế bào khỏe mạnh xung quanh.
“Những cô gái radium” ban đầu tin rằng họ an toàn khỏe hơn nhờ tiếp xúc với radium qua bụi phóng xạ bay đầy trong phân xưởng, cơ thể họ được bao bọc một lớp bụi phát ra thứ ánh sáng xanh kỳ ảo. Mọi người thích thú với công việc, vừa nhàn lại có lợi cho sức khỏe.
Niềm vui của “Những cô gái radium” kéo dài không được lâu, sau khi một người trong số họ tên là Mollie Maggia, 22 tuổi buộc phải nghỉ việc vì đổ bệnh. Ban đầu cô bị đau răng và sau khi nhổ chiếc răng đầu tiên, chiếc thứ hai tiếp tục đau và được nhổ tiếp. Ngay lấp tức chân răng trống xuất hiện khối u màu vàng đỏ kèm theo máu và mủ. Khối u phát triển nhanh khiến hơi thở phát mùi, toàn thân ê ẩm không đi lại được.
Sau nửa năm mắc bệnh, vào tháng 5/1922, Mollie Maggia rụng hết răng và xương hàm bắt đầu vỡ vụn, xuất hiện triệu chứng "hàm radium" tức hàm bị vỡ. Mọi việc đi đến kết thúc vào tháng 9/1922, Mollie bị xuất huyết và qua đời khi mới 24 tuổi, nhưng do bất lực nên trong trong giấy chứng tử người ta lại ghi nguyên nhân tử vong là giang mai.
Sau cái chết của Mollie Maggia, đến lượt Grace Fryer qua đời năm 1927 và nhiều cô gái khác, tất cả đều có các triệu chứng tương tự do radium gây ra. Có người bị ung thư da, đục nhân mắt, ung thư họng và nhiều triệu chứng của phơi nhiễm radium trong thời gian dài như mất răng, rụng tóc. Tính đến năm 1924, có tới hàng trăm cô gái radium ốm nặng và qua đời vì nhiễm phóng xa radium.
Bi kịch được sáng tỏ
Sự thật về cái chết của “Những cô gái radium” chỉ được dư luận biết đến sau khi một nam công nhân đầu tiên làm việc tại đây qua đời.
Năm 1927, Grace cùng với 4 đồng nghiệp khác đệ đơn kiện USRC. Tuy muộn như đơn của các cô gái phóng xạ đã kịp kiện lên tòa và lan tỏa khắp thế giới. Cũng trong thời gian này, bác sĩ Harriso Martland đã tiến hành xét nghiệm và chứng minh, radium là thủ phạm đầu độc các cô gái trẻ. Martland đã lục lại hồ sơ cái chết của Mollie Maggia, Grace Fryer, khai quật tử thi và cuối cùng đã tìm ra lời giải thích cho những gì xảy ra bên trong cơ thể sau khi nhiễm radium.
Chính radium đã hủy hoại xương của những phụ nữ này, ví dụ xương sống của Grace Fryer gần như bị rỗng còn hàm của Mollie Maggia thì bị radium gặm mòn từ lâu. Trong khi nhiều nữ công nhân bị thiệt mạng thì Tập đoàn USRC lại phủi mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng từ đây công việc kinh doanh của USRC bắt đầu sa sút.
Trong khi từ chối trách nhiệm thì chính USRC vẫn tiếp tục trả tiền để tiến hành những nghiên cứu mới, cố tình đưa ra những kết luận trái ngược. Vụ kiện thắng lợi vào năm 1928 đã đánh một dấu mốc lớn về xây dựng những đạo luật bảo hộ lao động độc hại tại Mỹ. Từ đây, mối nguy hiểm từ radium và các chất gây phóng xạ đã được nhìn nhận đầy đủ hơn, kỹ thuật dùng môi vuốt chổi sơn bị cấm và các công nhân làm đồng hồ phát sáng được đeo dụng cụ bảo hộ.
Sau một cuộc chiến pháp lý gian nan và khó khăn, một số cô gái radium được đền bù, nhưng có người thì không, một số may mắn sống sót, trong số này có bà Mabel William, ở Washington.