Tận dụng công nghệ để quảng bá thương hiệu quýt Mường Khương

Bích Nguyên
26/04/2025 - 16:49
Tận dụng công nghệ để quảng bá thương hiệu quýt Mường Khương

Chị Sủi chăm sóc vườn quýt

Nhằm mở rộng hơn nữa thị trường cho cây quýt, bà con các dân tộc ở thị trấn Mường Khương (Lào Cai) đang tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để xây dựng và quảng bá thương hiệu quýt Mường Khương trên các nền tảng mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến.

Từ nhiều năm nay, cây quýt đã khẳng định vị thế cây chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo của thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Vụ vừa rồi, quýt Mường Khương vừa được mùa vừa được giá nên bà con rất phấn khởi.

Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng quýt, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương Phạm Đăng Năm giới thiệu: Mường Khương nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Khí hậu ôn đới, nhiều sương mù và độ ẩm cao nên rất thuận lợi cho cây quýt và các loại cây có múi. Đặc biệt, giống quýt sen ở đây rất ngon, vỏ mỏng, mọng nước và thơm.

Chúng tôi dừng chân ở vườn quýt ở thôn biên giới Lao Chải. Ông Năm chỉ tay bảo vùng đồi rộng lớn trước đây chủ yếu trồng lúa nương và ngô. Sau đó, cây quýt được đưa về đây và dần thay thế ngô lúa, phủ xanh cả vùng này.

Chị Lò Thị Sủi (dân tộc Bố Y) đang cùng chồng vệ sinh, cắt cành, chăm sóc để cây cho chất lượng tốt nhất. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi, chị Sủi cho biết: "Chăm sóc cây quýt đòi hỏi nhiều công sức từ lúc trồng cho tới lúc hái quả. Quan trọng nhất là phải giữ cho cây có đủ nước và phòng ngừa được sâu bệnh".

Gia đình chị Sủi đã có 15 năm trồng quýt nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc loại cây này. Theo chị, mỗi giai đoạn phát triển của cây cần chế độ chăm sóc khác nhau. Khi hoa đã đậu quả thì phải tập trung bón phân, tỉa cành, loại bỏ quả xấu. Như thế thì cây mới tập trung dinh dưỡng nuôi quả đẹp, cho năng suất cao.

Theo chia sẻ của chị Sủi, hồi mới trồng quýt, vợ chồng chị phải học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng trước. Bên cạnh đó, vợ chồng chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc quýt do các ban, ngành, địa phương tổ chức. Giờ đây với ưu thế vượt trội của công nghệ thông tin, vợ chồng chị có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để tìm hiểu kiến thức, trao đổi thông tin với mọi người về kỹ thuật chăm sóc cây quýt qua mạng internet.

Người dân Mường Khương chăm sóc quýt

Người dân Mường Khương chăm sóc quýt

Từ 500 cây trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình chị Sủi đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất canh tác sang trồng quýt với hơn 4.000 cây, trong đó có 3.000 cây đã cho quả. Nhờ trồng quýt, gia đình chị Sủi đã thoát khỏi đói nghèo. Trong những năm gần đây, giá quýt ổn định giúp gia đình chị Sủi thu nhập khoảng 200 triệu - 300 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Lao Chải, chị Sủi tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội - phương thức lan tỏa thông tin nhanh và sâu rộng để quảng bá quýt Mường Khương tới người tiêu dùng. "Chúng tôi giới thiệu vườn quýt trên Facebook, Zalo để mọi người biết đến. Nhiều chị em livestream trực tiếp quá trình chăm sóc, thu hoạch quýt để người tiêu dùng biết và tin dùng sản phẩm quýt của chúng tôi". Nhờ được lên mạng xã hội mà quýt Mường Khương nổi tiếng khắp cả nước, được mọi người tin dùng vì được đảm bảo về chất lượng.

Không chỉ dừng lại ở việc bán quýt quả, từ năm 2017, vợ chồng chị Sủi đã khai thác thêm giá trị kinh tế của vườn quýt qua việc kết hợp làm du lịch sinh thái. Du khách có thể vào vườn thăm quan, chụp ảnh kỷ niệm… Năm 2020, vợ chồng anh làm thêm một số nhà chòi giữa vườn quýt, phục vụ du khách tới thăm Mường Khương check-in vừa ngắm vườn quýt vừa trải nghiệm thực tế thu hoạch quả. Chỉ với 20 nghìn đồng, du khách có thể vào vườn ngắm cảnh, hái quýt thưởng thức thoải mái ngay tại vườn và mua về làm quà. 

Những tấm ảnh đẹp lung linh ở vườn quýt Mường Khương của hàng nghìn du khách đến đây mỗi năm đã lan tỏa hình ảnh vùng trồng quýt Mường Khương trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, thương hiệu giống quýt đặc sản này ngày càng lan xa.

"Vào vụ thu hoạch quýt, mỗi ngày vườn của chúng tôi đón khoảng 50-60 du khách, vào dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần, khách tới đông hơn nhiều, khoảng 100 - 200 khách. Việc khai thác vườn quýt làm du lịch trải nghiệm giúp vợ chồng tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể", chị Sủi chia sẻ.

Giống như gia đình chị Sủi, một số hộ dân khác ở thôn Lao Chải đã manh nha hoạt động khai thác du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm từ các đồi quýt. Bà con cung cấp dịch vụ cho du khách vào thăm quan vườn quýt, chụp ảnh lưu niệm, nếu thích du khách còn có thể trải nghiệm các công đoạn chăm sóc quýt như tỉa cành, dọn cỏ, thu hái quýt… kết hợp với tiêu thụ sản phẩm.

Trò chuyện với Bí thư Năm, chúng tôi được biết, đến nay, thị trấn Mường Khương đã phát triển diện tích trồng quýt lên tới hơn 260ha. Trung bình mỗi năm, cây quýt mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào chỉ số thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/người/năm của thị trấn Mường Khương.

Cũng theo ông Năm, nhờ được tiếp cận thông tin đa dạng, một số hộ trồng quýt ở thôn biên giới Lao Chải đã học hỏi các địa phương khác, kết hợp trồng quýt với cung cấp các dịch vụ thăm quan, chụp ảnh check-in tại vườn quýt. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả nhất định, vừa tăng thêm nguồn thu cho người dân, vừa xây dựng được thương hiệu quýt sạch trong lòng du khách, giúp du khách tin tưởng hơn vào chất lượng của quýt Mường Khương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm