HĐXX TAND quận Cầu Giấy cho rằng, báo Giáo dục Việt Nam đã không tuân theo tôn chỉ mục đích, giấy phép; vi phạm Luật Báo chí khi viết bài “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”. Vì vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC và buộc báo Giáo dục Việt Nam phải bồi thường 14,9 triệu đồng và "gỡ bỏ các bài viết, xin lỗi công khai" trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng theo HĐXX, do không đạt được thỏa thuận với FLC về việc thanh toán khoản nợ cho các công trình đã thực hiện (theo hai hợp đồng số 18 và số 57), Cty Hòa Bình đã không đúng khi gửi đơn kêu cứu tới cơ quan báo chí mà không phải là đơn vị trọng tài thương mại theo như thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên.
Trong quá trình thu thập thông tin để viết bài, báo Giáo dục Việt Nam không có tài liệu thể hiện việc liên hệ với FLC. Vì thế, bài viết thể hiện FLC chây ì trả nợ là "chưa có căn cứ".
* Như PNVN đã thông tin, theo Đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1/10/2018, báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng" với nội dung FLC còn nợ Cty Hòa Bình vốn gốc 213 tỷ đồng và tìm các lý do trì hoãn trả nợ dù đối tác đã gửi tới 13 công văn yêu cầu.
Tập đoàn FLC cho rằng nội dung này là sai sự thật, bởi FLC và Cty Hòa Bình vẫn trong quá trình đàm phán, trao đổi, giải quyết các bất đồng để thực hiện hai hợp đồng đã ký kết. "Việc đưa tin trên làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Tập đoàn FLC, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về FLC. Từ đó gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn", đại diện FLC nói tại phiên tòa.
Ngược lại, ông Đào Ngọc Tước, đại diện báo Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Việc đăng tải thông tin tại bài báo nói trên là hoàn toàn đúng sự thật, đúng Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí đấu tranh chống lại tệ tham ô, tham nhũng, các biểu hiện sai trái, tiêu cực…
“Chúng tôi khẳng định bài viết hoàn toàn đúng pháp luật, đúng tôn chỉ mục đích và báo Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đó”, ông Tước nói.
Về phía Cty Hòa Bình, đại diện của Công ty này khẳng định việc FLC đang nợ họ hàng trăm tỉ đồng là sự thật. Cho đến nay, dù họ đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía FLC trả nợ nhưng FLC vẫn chưa chịu trả. “Tính đến cuối năm 2016, Cty xác định FLC đang nợ chúng tôi 192 tỉ đồng. Nếu tính đến nay thì FLC phải chịu thêm khoảng gần 100 tỉ đồng lãi suất nữa”, đại diện Cty Hòa Bình nói trước Tòa.
Phát biểu quan điểm của mình tại phiên tòa, đại diện Viện KSND quận Cầu Giấy, cho rằng: Qua nghiên cứu các tài liệu báo Giáo dục Việt Nam đã sử dụng để làm căn cứ viết bài báo, VKS thấy rằng các tài liệu để chứng minh xác nhận nợ giữa Tập đoàn FLC và Cty Hòa Bình gồm 13 công văn của Cty Hòa Bình gửi Tập đoàn FLC để yêu cầu thanh toán và các tài liệu khác, cũng như tại phiên tòa hôm nay, người làm chứng là Cty Hòa Bình đã xác nhận, số nợ gốc mà Cty Hòa Bình yêu cầu Tập đoàn FLC thanh toán đối với hợp đồng số 18 và 57 là 192 tỉ đồng (làm tròn số), không phải là 213 tỉ đồng như trong bài báo của báo Giáo dục Việt Nam…
Xem xét các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ cũng như quá trình tranh luận tại phiên tòa hôm nay, VKS thấy rằng, liên quan đến vấn đề công nợ giữa Cty Hòa Bình và Tập đoàn FLC trong 02 hợp đồng số 18 và 57, hiện hai công ty cũng đang trong quá trình thương lượng để đi đến thống nhất, chưa có biên bản đối chiếu công nợ chính xác. Do đó, việc báo Giáo dục Việt Nam đã căn cứ vào các tài liệu này để kết luận Tập đoàn FLC chây ì nợ đối với Cty Hòa Bình số tiền 213 tỉ đồng là không chính xác.
Ngoài ra, theo xác minh của tòa án, việc báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng” là không phù hợp với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động theo công văn trả lời số 699 ngày 30/5/2019 của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Vì vậy, Viện KSND quận Cầu Giấy đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, buộc báo Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng” do đưa thông tin không chính xác, không đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo. Báo GDVN phải bồi thường thiệt hại cho Tập đoàn FLC số tiền 14.900.000 đồng vì hành vi xâm phạm uy tín, danh dự của Tập đoàn này; buộc báo GDVN phải công khai xin lỗi FLC…