Tăng cường tính minh bạch trong quản lý dữ liệu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris

An Khê
21/12/2022 - 21:51
Tăng cường tính minh bạch trong quản lý dữ liệu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris

Phụ nữ Đà Nẵng phòng chống bão lũ - Ảnh: Hà Thu

Ngày 21/12, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu" (gọi tắt là Dự án CBIT).

Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường năng lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế, chia sẻ kết quả dự án ở cấp quốc gia và cấp quốc tế.

Cục Biến đổi khí hậu là chủ dự án, thời gian thực hiện dự án dự kiến là 4 năm (từ tháng 4/2022 đến 3/2026) trên quy mô trên toàn quốc. Tổng vốn để thực hiện dự án là 3.781.100 USD do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và một số đơn vị thông qua UNDP tài trợ.

 Tăng cường tính minh bạch trong quản lý dữ liệu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc quốc gia Dự án CBIT tại hội thảo

Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc quốc gia Dự án CBIT cho biết: Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) đã thông qua Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow. Qua đó, hoàn thiện bộ quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris với những quy định cụ thể về Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris để thực hiện từ năm 2021 trở đi.

Theo ông Phạm Văn Tấn, dự án CBIT sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu quốc tế. Trên cơ sở này, dự án cũng sẽ giúp tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế một cách có hệ thống.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành hình mẫu đi đầu trong hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

 Tăng cường tính minh bạch trong quản lý dữ liệu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo

Ông Patrick Haverman nhấn mạnh, việc thiết lập Hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV) mạnh mẽ, minh bạch và bền vững là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự báo được để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ USD hằng năm để thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần vào cuối năm 2024.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm