'Tăng giờ làm thêm thì phải giảm giờ làm chính thức'

29/05/2019 - 16:35
ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - kiến nghị như vậy liên quan đến quy định về khung thỏa thuận giờ làm thêm thuộc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ở góc độ của người lao động, nữ đại biểu này mong muốn quy định của luật phải đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.

Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về khung thỏa thuận giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm, liên quan trực tiếp đến nhu cầu, sức khỏe và tiền lương của người lao động (NLĐ).

Khẳng định việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía doanh nghiệp và NLĐ, ĐB Trương Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho hay, điều này thậm chí có ngay từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực từ năm 2012, qua gặp gỡ đối thoại với người sử dụng lao động. Tuy vậy, mục đích đạt được từ hai phía, theo bà Hạnh lại không giống nhau.

 

11.JPG
ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh đề xuất giảm giờ làm chính thức cho người lao động nếu tăng giờ làm thêm. Ảnh: D.H

 

“Doanh nghiệp muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động và thu được lợi nhuận. Còn với NLĐ, mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống, thu nhập”, nữ đại biểu này nhìn nhận.

Qua khảo sát, bà Hạnh cho hay tình hình làm thêm giờ ở Bình Dương - “thủ phủ” của các khu công nghiệp, khu chế xuất - hiện diễn ra quá phổ biến, thậm chí vượt gấp 2-3 lần khung giờ quy định. “Nhiều doanh nghiệp tăng ca từ 800 đến 1.000 giờ mỗi năm, thậm chí hơn, trong khi luật chỉ cho phép tối đa 300 giờ. Năm 2017, Bộ LĐTBXH thanh tra, chọn lĩnh vực điện tử và kết luận, 60% DN được thanh tra vi phạm thời gian làm thêm giờ.

Nhưng theo bà Hạnh, vấn đề ở chỗ chính vì việc này cũng xuất phát từ chính nhu cầu của NLĐ, nên DN dù vi phạm vẫn khó bị phạt do có giấy tờ cam kết từ chính NLĐ, hoặc có bị phạt thì mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu về nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất đau lòng khi phải chấp nhận việc tăng giờ làm thêm. Nhưng thực tế ở Bình Dương là nếu chúng tôi bảo vệ quan điểm không tăng ca thì NLĐ sẽ phản ứng, vì họ thật sự có nhu cầu muốn tăng ca. Nhiều NLĐ chỉ tìm doanh nghiệp có tăng cả để ứng tuyển. Vì sao? Vì tiền lương không đủ sống, buộc họ phải làm thêm giờ để đảm bảo thu nhập”.

Dẫn chứng hai ví dụ ngẫu nhiên ở tỉnh mình, Phó Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương cho biết, một công nhân làm ở công ty giày, làm 103 giờ trong tháng, tổng thu nhập 8,4 triệu đồng cả lương chính thức (5 triệu đồng) và lương tăng ca (hơn 3 triệu đồng). Lương của một công nhân khác thuộc ngành gỗ, trong tháng tăng ca hơn 141 giờ, liên tục ngày thường, ban đêm, trong tuần và ngày nghỉ. Lương tăng ca của công nhân này là 7 triệu trong tổng số 12 triệu đồng tổng thu nhập - tăng 125% so với lương chính thức được hưởng.

“Có nữ công nhân may nói với tôi rằng trong giấc mơ mới thấy được giày dép, quần áo vì cứ làm quần quật 12h một ngày như vậy. Hệ lụy rõ nhất của việc tăng ca liên tục chính là vắt kiệt sức lao động. Không có thời gian cho gia đình, con cái gửi về cho ông bà nội ngoại nuôi, không có thời gian giao lưu giải trí. Tương lai của công nhân lao động và tương lai của con cháu họ sẽ như thế nào?”, bà Hạnh băn khoăn.

 

tuyen-cong-nhan-may-mac-tai-dai-loan.jpg
Ảnh minh họa

 

Với những bất cập trên, bà Trương Thị Bích Hạnh đề nghị xem xét việc tăng giờ làm thêm trên 2 phương diện:

Thứ nhất, nếu tăng giờ làm thêm, luật cần xem xét giảm thời gian làm việc chính thức từ 48h/tuần xuống còn 44h tối đa cho NLĐ để đảm bảo tái tạo sức lao động.

Thứ hai, luật cần bảo vệ quyền lợi và tiền lương của NLĐ như mục tiêu xây dựng điều khoản này. “Luật tăng lên thêm 100 giờ làm thêm mà giữ nguyên mức tính lương như cũ thì không thể nói là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vì vậy tăng làm thêm thì phải tăng tiền lương làm thêm cho NLĐ. Hoặc tăng lương lũy tiến: 2 tiếng đầu tăng một mức thì tiếng thứ 3, 4 phải tăng lên so với mức tăng ban đầu đó”, bà Bích Hạnh đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm