Tăng thuế thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong

Lâm Anh
08/05/2025 - 22:50
Tăng thuế thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong

Ảnh minh họa

Tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách, giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Nhằm truyền thông đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thực thi các chính sách hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 8/5, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhấn mạnh, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo Nghị quyết, kể từ năm 2025, Quốc hội thống nhất cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây hại đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân - đặc biệt là thanh thiếu niên - về tác hại của rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Theo ThS Phan Thị Hải, đây là một bước tiến lớn trong chính sách y tế cộng đồng, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá rất cao.

Tăng thuế thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong- Ảnh 1.

ThS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - trình bày tham luận tại hội thảo

ThS. Phan Thị Hải cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận sâu hơn về các chính sách thuế, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia… Hội thảo hôm nay là cơ hội quan trọng để chúng ta cùng chia sẻ thông tin, phân tích thực tiễn và đề xuất các giải pháp chính sách về thuế, trong đó có nội dung tăng thuế thuốc lá - một trong những công cụ hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm gây hại trong cộng đồng.

Tại Hội thảo, ThS. Phan Thị Hải cũng đã trình bày tham luận "Tăng thuế thuốc lá - Giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá". Tham luận đã nêu rõ các nội dung về Chính sách thuế có vai trò như thế nào trong phòng, chống tác hại của thuốc lá?; Bài học kinh nghiệm của các nước về tăng thuế thuốc lá; Tại sao cần tăng cao thuế thuốc lá tại Việt Nam? Thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam; Phương án tăng thuế nào có thể giúp đạt mục tiêu quốc gia của Việt Nam vào năm 2030 về giảm tỷ lệ hút thuốc lá?

Tại sao phải tăng thuế thuốc lá?

Tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá là biện pháp đã được chứng minh có tác động mạnh đến nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân. Thuế cao hơn làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc, hoặc giảm số lượng điếu hút và ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc, đặc biệt là trong giới trẻ.

Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách, giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của nước ta. Chính vì vậy tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp cùng thắng: vừa bảo vệ sức khỏe, vừa giúp tăng thu ngân sách cho Chính phủ và giúp cho phát triển.

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá: Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%; và năm 2019 (tiếp sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp, bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận.

Tăng thuế thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong- Ảnh 2.

Giá thuốc lá rẻ khiến trẻ em và trẻ vị thành niên có thể dễ dàng tiếp cận rồi hút thuốc

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ thuốc lá lên 10%, có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4%-5%. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên nhạy cảm hơn với sự gia tăng giá thuốc lá, do đó, khi giá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm này có thể giảm tới 10% hoặc hơn.

Năm 2023, theo kết quả điều tra về giá bán lẻ thuốc lá tại Hà Nội và TPHCM do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện cho thấy, trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có một số nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao.

Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên đều có thể dễ dàng tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc, còn những người đang hút thì sẽ có ít động lực để bỏ thuốc.

Cần sớm tăng thuế thuốc lá vào năm 2026

Với nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ các chính sách, thuế, truyền thông..., tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 45,3% năm 2015 và 41,1% năm 2021, nhưng mức giảm này là khiêm tốn và tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vẫn cao và không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Quốc gia Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 (chiến lược giai đoạn trước) và sẽ càng khó khăn trong việc đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đến năm 2030 tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, với hơn 15 triệu người hút thuốc hiện nay tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá hiện đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể và ngày càng tăng, với con số ước tính lên tới 104.300 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và do tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Tăng thuế thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong- Ảnh 3.

Sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm

Giá thuốc lá rẻ và tăng chậm do đó thanh thiếu niên và người nghèo ngày càng dễ tiếp cận và sử dụng; Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam còn rất cao so với các nước. Nguồn thu từ thuế thuốc lá không bù đắp được tổn thất sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.

Nếu không tăng thuế thuốc lá, Việt Nam sẽ không đạt mục tiêu quốc gia và mục tiêu Phát triển bền vững về giảm sử dụng thuốc lá. Việc tăng thuế thuốc lá sớm được ngày nào sẽ bớt thêm những nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời giúp tạo ra những rào cản cho những người hút thuốc lá và bảo vệ cho thế hệ trẻ- thế hệ tương lai của đất nước.

WHO và Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối với mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, song song với thuế tỉ lệ hiện hành (75%).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm