pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo điều kiện để phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sử dụng nguồn vốn chính sách

Tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận nguồn vốn phù hợp. Ảnh minh hoạ
Tín dụng vi mô được xem là một "đòn bẩy nhỏ tạo ra thay đổi lớn", giúp họ khởi sự kinh doanh, cải thiện thu nhập và từng bước vươn lên. Tuy nhiên, làm sao để những chính sách tín dụng này đến đúng đối tượng, hỗ trợ đúng lúc và tạo ra hiệu quả thực chất?

Ông Dương Công Thành, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang
Ông Dương Công Thành, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, chia sẻ với PNVN về vấn đề này.
+ Với vai trò là đơn vị trực tiếp triển khai chính sách tín dụng vi mô, ông đánh giá như thế nào về mức độ tiếp cận vốn của phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện nay?
Qua số liệu thống kê cho thấy phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang ngày càng tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng vi mô. Điều này được thể hiện qua tổng dư nợ cho vay đối với phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện Lục Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, dư nợ đến 31/3/2025 đạt trên 506 tỷ đồng với trên 7.300 thành viên được vay vốn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do thiếu thông tin, thiếu tư liệu sản xuất hoặc chưa đáp ứng được các điều kiện tín dụng.
+ Nhiều phụ nữ nghèo dù có mong muốn làm kinh tế vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vì thiếu hồ sơ pháp lý hoặc chưa đủ điều kiện tín dụng. Theo ông, giải pháp nào để "gỡ nút thắt" này một cách bền vững?
Với khẩu hiệu "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", chúng tôi đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tăng cường phối hợp với Hội LHPN các cấp để tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi đến với phụ nữ nghèo. Thứ hai, hỗ trợ hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn chi tiết tới từng khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phù hợp với khả năng tiếp nhận và đặc thù nhóm của khách hàng. Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh cho phụ nữ nghèo. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng xây dựng các mô hình nhóm phụ nữ thuộc Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho họ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sử dụng vốn.
+ Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp với những tổ chức nào để đảm bảo tín dụng vi mô đến đúng tay người cần? Vai trò của địa phương và cộng đồng trong quá trình này quan trọng ra sao, thưa ông?
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể khác trong quá trình triển khai tín dụng vi mô. Hội LHPN đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận vốn.
Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động tín dụng. Vai trò của cộng đồng cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

Hội LHPN đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận vốn
+ Trong kỷ nguyên số, liệu các công cụ như ngân hàng số, hồ sơ vay trực tuyến... có thể mở ra hướng đi mới cho phụ nữ nghèo tiếp cận vốn dễ dàng hơn? Ngân hàng Chính sách xã hội có kế hoạch gì để đưa công nghệ đến gần hơn với người dân?
Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng các công cụ như Ngân hàng số, tra cứu thủ tục hồ sơ vay trực tuyến... sẽ giúp phụ nữ nghèo tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngân hàng Chính sách xã hội đang từng bước triển khai các giải pháp công nghệ, như xây dựng ứng dụng di động như Smartbanking, Quản lý tín dụng chính sách… cho phép người dân tra cứu thông tin về các chương trình tín dụng, thanh toán tiền vay, và nhiều tiện ích đi kèm.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, không phải phụ nữ nghèo nào cũng có điều kiện tiếp cận và sử dụng công nghệ. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tính bao trùm với phương trâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
+ Ông có thể chia sẻ một mô hình hoặc địa phương đã làm tốt việc triển khai tín dụng vi mô cho phụ nữ nghèo, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng?
Trên địa bàn huyện Lục Nam, có nhiều mô hình phụ nữ nghèo sử dụng vốn tín dụng vi mô hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững. Một trong những mô hình tiêu biểu là mô hình tổ nhóm phụ nữ làm nghề trồng rau an toàn tại xã Nghĩa Phương.
Nhờ được vay vốn ưu đãi với mỗi hội viên là 100 triệu đồng, họ đã đầu tư mở rộng diện tích trồng rau, áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mô hình này cho thấy rằng, khi được hỗ trợ vốn và kỹ thuật phù hợp, phụ nữ nghèo hoàn toàn có thể vươn lên làm chủ cuộc sống. Bài học kinh nghiệm rút ra là cần chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tạo ra thu nhập bền vững cho phụ nữ nghèo.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!