Tạo hiệu quả trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách

Minh Vân
15/07/2023 - 11:09
Tạo hiệu quả trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hà Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc.

Đây là nội dung được nêu lên tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Tân (Bình Thuận) về tình hình hoạt động từ năm 2022 đến nay.

Sáng 14/7, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) do bà Hà Thị Nga - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH - làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân về tình hình hoạt động của Ban đại diện HĐQT huyện từ năm 2022 đến nay.

Theo báo cáo của HĐQT NHCSXH huyện, tổng nguồn vốn đến 30/6/2023 hơn 384 tỷ đồng, tăng 20,8 tỷ đồng so đầu năm. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2023 là 47,337 tỷ đồng; doanh số thu nợ 6 tháng đầu năm là 29,29 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng là 380,9 tỷ đồng với 8.858 khách hàng còn dư nợ, tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,96%.

Tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao vốn đạt 93% kế hoạch tăng trưởng được giao. Nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022 là 1.500 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Đến 30/6/2023, ngân sách huyện chuyển sang là 1.800 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao.

Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW (từ năm 2015) ngân sách huyện đã chuyển được 6.800 triệu đồng, tăng 1.971% so với trước khi có Chỉ thị.

Tạo hiệu quả trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách - Ảnh 1.

Đoàn làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Năm 2022, các thành viên Ban đại diện (BĐD) được phân công kiểm tra, giám sát đều thực hiện theo chương trình kiểm tra, giám sát được giao. Lãnh đạo phòng, ban cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát tại 10/10 xã, thị trấn/45 tổ tiết kiệm và vay vốn/16 hộ vay; 10/10 thành viên BĐD là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện việc kiểm tra, giám sát đến 40 thôn, khu phố/ 76 tổ tiết kiệm và vay vốn/57 hộ vay. Đến 30/6/2023, lãnh đạo phòng, ban cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát tại 7/10 xã, thị trấn/57 tổ tiết kiệm và vay vốn/22 hộ vay; 10/10 thành viên BĐD là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện việc kiểm tra, giám sát đến 20 thôn, khu phố/ 40 tổ tiết kiệm và vay vốn/68 hộ vay.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giai đoạn 2020 - 2025 từ 2,41% xuống còn 2,04%. Từ năm 2022 đến thời điểm kiểm tra số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội là 4.672 lượt vay, trong đó: 1.220 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; 4.061 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hình thành từ nguồn vốn vay, tạo việc làm cho 940 lao động; 148 HSSV trang trải chi phí học tập, 10 nhà ở xã hội, 287 máy tính phục vụ học tập; 25 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển kinh tế...

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm làm rõ thêm những kết quả đạt được, đồng thời trao đổi về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, đề xuất các kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng để người dân tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với tình hình thực tế của huyện.

Tạo hiệu quả trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách - Ảnh 2.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hà Thị Nga đánh giá cao hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân thời gian qua.

Kết luận buổi làm việc, bà Hà Thị Nga biểu dương, đánh giá cao Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Về nhiệm vụ thời gian tới, đề nghị Ban đại diện thực hiện tốt vai trò tham mưu, thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương, Kết luận số 06 của Ban Bí thư… về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Ban đại diện cần tham mưu cho cấp ủy, UBND huyện tăng cường công tác dự báo tình hình về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực để triển khai kịp thời các chế độ, chính sách gắn với nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề… Đồng thời, chủ động lồng ghép, phối hợp, điều chỉnh các nguồn vốn nhằm tăng thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn, giải quyết việc làm. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các thành viên hội đồng, nhất là các thành viên là chủ tịch UBND các xã, thị trấn; tăng cường công tác giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…

Bà Hà Thị Nga cũng đề nghị Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện thực hiện các quy chế hoạt động. Tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội quan tâm triển khai các chương trình, mục tiêu đề án của hội, đoàn thể mình gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách, lưu ý nhiều hơn đến các Tổ tiết kiệm và vay vốn do mình quản lý để củng cố kiện toàn không còn tổ yếu, kém nhằm tạo hiệu quả việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách.

Nguồn: Báo Bình Thuận
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm