Mặc dù bé Tùng được điều trị sau ca tai nạn bỏng rộng và sâu tại vùng cổ - mặt nhưng một năm trở lại đây, sẹo bỏng lớn lồi lên, co kéo, gây đau và biến dạng vùng mặt. Điều này khiến Tùng vận động như xoay cổ, nghiêng cổ cũng bị hạn chế và gây đau đớn. Ngoài những đau đớn về thể xác, Tùng còn mặc cảm trong giao tiếp với bạn bè.
|
Bệnh nhân trước khi phẫu thuật với vết bỏng nặng trên khuôn mặt. Ảnh BV cung cấp |
Thương con, bố mẹ đưa Tùng đi chạy chữa. Tại Khoa Sọ mặt – Tạo hình, BV Nhi TƯ, BS Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa đã chia sẻ cho gia đình tình trạng sức khoẻ của Tùng. Theo đó, vết sẹo bỏng lồi rất lớn, kích thước 20×20cm chạy từ vai, cổ đến mặt, gây co kéo biến dạng vùng này. Chỉ có phẫu thuật cắt bỏ sẹo di chứng bỏng và phẫu thuật tạo hình che phủ chỗ khuyết lớn vùng cổ mặt mới mang lại khuôn mặt mới cho bệnh nhân.
|
Bệnh nhân trong quá trình đặt túi giã da. Ảnh BV cung cấp |
Các bác sĩ đã đưa ra các phương án trước khi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Việc phẫu thuật cho bệnh nhân được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bệnh nhân được đặt hai hệ thống túi giãn da và tổ chức tại các vùng xung quanh sẹo bỏng (cổ, vai, ngực). Sau 4 tuần đặt túi, các bác sĩ tiến hành bơm giãn túi từ 5 ngày – 1 tuần/lần, mỗi lần 30-50 ml. Sau 15 lần bơm giãn, bệnh nhân đã có lượng da như mong muốn với thể tích túi 1 là 700 ml và túi 2 là 450 ml.
Giai đoạn hai các bác sĩ tiến hành tháo bỏ hệ thống túi giãn da, cắt toàn bộ sẹo co kéo lồi vùng mặt và cổ, tạo nên vùng khuyết hổng kích thước 20 X 25cm. Tiếp theo là tạo hình các vạt giãn tổ chức để che phủ các vùng cổ vai, cổ cằm, ngực, ưu tiên số một cho vùng mặt.
|
Bệnh nhân hết sẹo lồi sau ca phẫu thuật. Ảnh BV cung cấp |
“Hai tuần sau mổ, vạt giãn da tổ chức sống tốt, màu sắc da tương đồng, đầu và cổ có thể vận động xoay, nghiêng dễ dàng và đặc biệt không đau. Hiện cháu đã có thể đi học trở lại và tự tin hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa”, BS Thơm vui mừng thông báo.
Ngày 2/11, BV Nhi TƯ đã thông báo thành công của ca điều trị này.