Một trong những cách quan trọng nhất để giúp trẻ có thói quen ăn lành mạnh là cho trẻ thấy những tấm gương có thói quen ăn tốt. Nếu con bạn nhìn thấy bố mẹ ăn những đồ nhiều chất béo, sẽ giống như bật đèn xanh cho trẻ làm điều tương tự.
Bạn sẽ chẳng bao giờ khuyến khích con ăn uống lành mạnh nếu chính bạn không ăn thức ăn lành mạnh. Nói cách khác, khi chúng ta có những lựa chọn thông minh hơn, ví dụ như lúc đói thì ăn trái cây thay vì bánh quy nhiều chất béo, từ đó trẻ sẽ biết cách tốt hơn để nạp thêm năng lượng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, hãy cho bé có cơ hội cùng bạn chuẩn bị và chế biến thức ăn, trẻ sẽ hiểu được cách làm nên những món ăn lành mạnh như thế nào. Trẻ con rất thích đồ ngọt; vì thế, hãy chia sẻ cho con bạn biết về mối nguy hại của sâu răng hay béo phì với những tấm gương cụ thể khi thấy trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt. Quan trọng là bạn không tận tay đưa cho trẻ những loại đồ ăn nhiều đường.
Bạn cũng nên chú ý đến sở thích ăn uống của trẻ. Mỗi khi đi mua sắm hay chuẩn bị bữa ăn, hãy luôn đưa trẻ đi cùng và cho trẻ tham gia. Điều này sẽ cho bạn những gợi ý về sở thích ăn uống của trẻ, một cơ hội để dạy trẻ về dinh dưỡng và tạo cho trẻ cảm giác tự chủ.
Cha mẹ nên cố gắng nhiều nhất ở mức có thể những bữa ăn trẻ được ăn cùng cả nhà. Hãy làm cho bữa ăn luôn dễ chịu với những cuộc chuyện trò và chia sẻ, chứ không phải là la mắng hay tranh cãi.
Nếu bữa ăn không thoải mái, trẻ sẽ học cách ăn nhanh hơn để rời khỏi bàn ăn sớm nhất có thể. Chúng cũng sẽ học được rằng ăn uống liên quan với căng thẳng.