pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạp chí Vogue: Phía sau những lộng lẫy xa hoa trên truyền thông là môi trường làm việc sặc mùi phân biệt chủng tộc
Vài nét về Tạp chí Vogue
"Vogue" là cái tên không mấy xa lạ với hầu hết phụ nữ trên toàn thế giới. Dù có phải là một tín đồ sành sỏi về thời trang hay không, hễ cứ nghe "Vogue", chúng ta đều biết đây là một trong những Tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.
Vogue số đầu tiên được phát hành vào ngày 17/12/1892 (127 năm trước). Tới nay, Tạp chí Vogue đã được xuất bản hàng tháng tại 18 quốc gia trên thế giới. Với "tuổi đời" và những thành tích này, Vogue trở thành một trong những môi trường làm việc nhiều thử thách, đáng mơ ước của không ít phụ nữ, đặc biệt là những người có đam mê với gấm vóc, lụa là.
Môi trường làm việc chẳng giống trong mơ
Tuy nhiên, thực tế với ảo mộng luôn cách nhau một quãng đường dài. Tâm sự của Shelby Ivey Christie - Cựu nhân viên của Vouge đã vạch trần những bất công khi làm việc cho Tạp chí thời trang hàng đầu thế giới này.
"Khoảng thời gian tôi làm việc tại Vogue thật kinh khủng và đáng sợ. Sự bắt nạt và miệt thị từ những đồng nghiệp da trắng, những nỗ lực không được ghi nhận cùngmức lương cơ bản quá thấp khiến tôi kiệt sức."
Với một lý lịch làm việc ấn tượng, Shelby Ivey Christie đã trở thành nhân viên truyền thông của Tạp chí Vogue vào năm 2016. Nhưng theo như những gì cô chia sẻ, có vẻ Shelby Ivey Christie đã hoàn toàn vỡ mộng ngay khi an tọa tại Vogue.
Dưới dòng trạng thái đầy thống khổ này, Shelby Ivey Christie tiếp tục vạch trần những bất công mà cô - một nhân viên da màu phải chịu đựng khi làm việc cho Vogue:
"Khoảng thời gian mà tôi phải dành cho công việc này thật sự hoang đường - 20 giờ/ngày. Tôi được yêu cầu làm việc và sinh hoạt gần như toàn thời gian tại văn phòng, bất chấp đó là thứ Bảy hay Chủ Nhật.
Tôi luôn phải xử lý những công việc đầu thừa đuôi thẹo từ đồng nghiệp. Mùa hè năm 2017, chính xác là ngày 4/7/2017, những cấp trên của tôi đi du lịch và tôi là người được giao trách nhiệm giải quyết những công việc của họ. Trong khi họ đang hí hửng vui chơi ở nơi nào đó, thì tôi ngồi trong văn phòng và khóc nguyên 2 ngày cuối tuần vì đống giấy tờ cần được xác nhận gấp nhưng tôi hoàn toàn không liên lạc được với bất cứ ai.
Chưa hết, tôi nhận ra rằng ở Vogue, nếu bạn là một người da màu, thu nhập của bạn sẽ bị giảm như một điều hiển nhiên phải thế, ngay cả khi bạn tốt nghiệp từ các trường thuộc khối Ivy League đi nữa. Những nhân viên da trắng luôn được ký hợp đồng với mức lương cao hơn dù họ có ít kinh nghiệm làm việc và cũng không bước ra từ một trường Đại học danh tiếng.
Tôi không chia sẻ những điều này vì nỗi bực dọc cá nhân của mình. Có rất nhiều đồng nghiệp da màu khác như tôi đang phải chịu những bất công tương tự. Khi tôi chia sẻ điều này với sếp của mình, anh ấy chỉ ậm ừ và rồi, chẳng có gì thay đổi với chúng tôi. Đó là điều khiến tôi thấy rằng mình phải lên tiếng."
Sau khi đăng tải dòng trạng thái này, Shelby Ivey Christie nhận được rất nhiều sự đồng cảm, an ủi từ những nhân vật khá nổi tiếng trong ngành thời trang.
Năm 2017, Zara Rahim trở thành Giám đốc Truyền thông của Vogue. Trước đó, cô từng là phát ngôn viên của Hillary Clinton, trợ lý cho Tổng thống Barack Obama. Nhưng nhìn xem, đây là những gì Zara Rahim nhận được khi trở thành Giám đốc Truyền thông của Vogue: "Tôi đã quen với sự thật chết tiệt này. Thu nhập của tôi đã tăng 5000$ ở vị trí này, nhưng nó đúng ra phải tăng thêm 50.000$ nữa. Đó là thu nhập mà một người da trắng sẽ nhận được nếu ở vị trí như của tôi."
Noor - Một nhà báo khá nổi tiếng cũng lên tiếng khi đọc những chia sẻ của Shelby Ivey Christie:
Noor từng hợp tác với Vogue trong một bộ ảnh được thực hiện vào đầu năm 2019, nhưng sản phẩm của cô đã bị Vogue gạt bỏ hoàn toàn chỉ vì trong bài viết có sử dụng hình ảnh của một người da màu Parkistan.
Kể lại sự việc này, Noor chia sẻ: "Khi tôi gặp Giám đốc Biên tập của Vogue sau khi ảnh và bài viết của tôi bị gạch bỏ, họ thậm chí không xin lỗi và yêu cầu tôi viết một chủ đề hoàn toàn không liên quan."
Những lần Vogue khiến dân mạng "nóng mặt" vì phân biệt chủng tộc
Tháng 3 năm 2008, số tháng 4 của tạp chí Vogue đã xuất hiện ở khắp các quầy báo tại Hoa Kỳ. Hình ảnh trang bìa được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Annie Leibowitz, mô tả siêu mẫu Gisele Bundchen cùng với siêu sao bóng rổ Lebron James.
Hình ảnh trang bìa này khiến Vogue và Tổng Biên Tập - Anna Wintour gặp phải một làn sóng chỉ trích lớn. Nhiều người ví von đây chính là poster phim King Kong vì những hình ảnh có nhiều điểm tương đồng về mặt thẩm mỹ. Ngoài ra, không ít độc giả bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ trước hình ảnh James được miêu tả theo khuôn mẫu phân biệt chủng tộc của một người đàn ông Mỹ gốc Phi tức giận, hung dữ với người phụ nữ da trắng xinh đẹp.
Tháng 3/2019, làn sóng tẩy chay Vogue cũng đã bùng lên ở Trung Quốc sau khi tạp chí này đăng tải hình ảnh của Gao Qizhen - Mẫu nữ Trung Quốc có gương mặt "độc - lạ".
Sau khi nhìn thấy hình ảnh cô xuất hiện trên Instagram của Vogue, cộng đồng mạng Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích tạp chí. Theo đó, họ chỉ ra rằng trong các bài đăng thể hiện vẻ đẹp phương Tây, họ thường chọn một người có nét truyền thống với những chuẩn mực quen thuộc, nhưng khi đề cập đến nhan sắc châu Á, họ lại tìm kiếm những người có vẻ ngoài kỳ lạ nhất.
Vogue có lẽ vẫn luôn là một tờ Tạp chí thời trang đắt giá, chất lượng hàng đầu thế giới. Nhưng phía sau những xa hoa, lộng lẫy ấy, chắc hẳn cũng tồn tại không ít "mặt tối", một trong số đó chính là nạn phân biệt chủng tộc.