‘Tập trung khám sàng lọc phát hiện dị tật để nòi giống Việt Nam ngày càng tốt hơn’

08/05/2019 - 14:50
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, trong hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế diễn ra sáng ngày 8/5 tại Hà Nội.
Ông cho biết, ông đánh giá cao vai trò rất tích cực của Liên minh châu Âu đã giúp cho Việt Nam trong thời gian vừa qua, chính vì vậy Việt Nam về đích thật sớm các mục tiêu phát triển y tế, mảng chăm sóc bà mẹ và trẻ em có hiệu quả rất cao.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến và ông Bruno Angrlet - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam

 

Trước đây, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người dân tiếp cận được dịch vụ y tế đã là khó chưa nói đến những kỹ thuật y tế cao, nhưng trong những năm gần đây, người dân đã được tiếp cận những dịch vụ y tế đó dễ dàng hơn.
 
“Trong thời gian tới, chúng tôi đang thảo luận, trao đổi với tổ chức Liên minh châu Âu trong việc khống chế những bệnh không lây nhiễm, khám sớm, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Đây là những bệnh gây tử vong rất nhiều không chỉ ở Việt Nam mà cả cộng đồng thế giới cũng vậy” – Thứ trưởng cho hay.
 
Tham dự hội nghị có 600 đại biểu đến từ 53 tỉnh thành, đại diện Quốc hội, các bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các tổ chức Liên hợp quốc và khối tư nhân - Ảnh: An Khê

 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, tại Việt Nam, cần tập trung cố gắng khám sàng lọc phát hiện những dị tật bẩm sinh để giúp nòi giống Việt ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, tốc độ dân số già hóa đang là một trong những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt.
 
Được biết, trong những năm vừa qua Liên minh châu Âu (EU) góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
 
EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe trong hơn 20 năm qua. Với tổng kinh phí tài trợ 3.500 tỷ đồng, Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành y tế là chương trình hỗ trợ lớn nhất của EU tại châu Á. Chương trình này kéo dài 9 năm gồm 2 giai đoạn, tập trung hỗ trợ cho các tỉnh và huyện lỵ nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam, đây cũng chính là những địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình nhằm tăng cường độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo các cán bộ y tế (gồm bác sỹ, y tá, hộ sinh và cô đỡ thôn bản), sửa chữa nâng cấp bệnh viện và các trạm y tế xã, cung cấp các thiết bị y tế cơ bản, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn dịch vụ lâm sàng, và cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện.
 
Liên minh châu Âu đã hỗ trợ Bộ Y tế tổ chức các khóa tập huấn hộ sinh tại 10 tỉnh nghèo gồm Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái và Đắk Nông. Thông qua các buổi tập huấn này, năng lực chuyên môn của các hộ sinh được cải thiện rõ rệt, đạt tiêu chuẩn hộ sinh có kỹ năng của ASEAN.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm