Tập trung toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng điều trị bệnh nhân Covid-19

PV
31/07/2020 - 09:55
Tập trung toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng điều trị bệnh nhân Covid-19

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ đồng nghiệp mang trang phục bảo hộ trước khi vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Để "chia lửa" với Đà Nẵng trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã lên phương án chuyển các bệnh nhân COVID-19 nặng, có bệnh lý nền từ Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng phát hiện và công bố những ngày qua, có nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư... tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn. Các thầy thuốc đầu ngành và các chuyên gia đã hội chẩn hàng ngày để nỗ lực cao nhất tìm cách điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.

Tập trung toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Từ đầu mùa dịch đến nay, hội đồng chuyên môn, các thầy thuốc đã rất vất vả trong hội chẩn, điều trị, tìm ra phác đồ ưu việt nhất với từng bệnh nhân nặng như bệnh nhân 19, 91, 161... nhưng đợt này, chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ bệnh nhân nặng nhiều hơn so với đợt trước.

"Không chỉ thế, đợt này, bệnh nhân mắc các bệnh lý nền nhiều hơn, tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.

Theo nghiên cứu, giải trình tự gene của các nhà khoa học, chủng SARS-CoV-2 mới (chủng thứ 6 ở Việt Nam) phát hiện được ở Đà Nẵng có khả năng lây lan nhanh.

"Chúng tôi không so với thế giới, chỉ so với những bệnh nhân ở Việt Nam, rõ ràng bệnh nhân giai đoạn này nặng hơn, tiến triển nguy kịch nhanh hơn giai đoạn trước" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Đến nay, trong số các ca bệnh mới ghi nhận, đã có nhiều bệnh nhân tiến triển nặng. Trong đó, 2 bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), thở máy, lọc máu liên tục (416 và 437), một số bệnh nhân thở máy (436, 438, 418) đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân 416 là ca COVID-19 tại cộng đồng đầu tiên phát hiện trong đợt này, diễn biến nhanh, từ ngày 25/7 đã thở máy, đặt ECMO. Bệnh nhân vẫn điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng với sự hỗ trợ tích cực của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Bạch Mai và tổ Điều trị do ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, "cắm chốt". Đến nay, bệnh nhân dù còn rất nặng nhưng tình trạng đã khá hơn, giảm các triệu chứng.

Một bệnh nhân khác được đánh giá là nặng nhất hiện nay là bệnh nhân 437. Bệnh nhân là người cao tuổi (61 tuổi), có một loạt bệnh lý nền là tăng huyết áp, gout, suy tim, trước đó có diễn biến phù phổi cấp, suy thận, chạy thận chu kỳ 2... Bệnh nhân hiện đã được đặt ECMO, thở máy. Các thầy thuốc tập trung hội chẩn, có ý kiến tăng cường điều trị đa kháng thuốc, thận, chống nấm, chống đông...

"Các nhóm thầy thuốc tăng cường hội chẩn hàng giờ, thậm chí qua Viber, Zalo thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, bệnh nhân 437 tiên lượng rất nặng, nặng nhất, rất dè dặt" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Những ca bệnh nặng ngày càng nhiều lên, diễn biến nặng rất nhanh, thậm chí có những ca đánh giá là rất nặng. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay chỉ trong 6 ngày, Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) đã tổ chức 5 cuộc hội chẩn toàn quốc về ca bệnh nặng, bệnh nhân COVID-19.

Tập trung toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng điều trị bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Bệnh viện C Đà Nẵng được phong tỏa từ ngày 28/7 nhằm phòng, chống Covid-19. Ảnh: Báo Đà Nẵng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, "không để ai bị bỏ lại phía sau", hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong, Hội đồng chuyên môn (gồm những chuyên gia hàng đầu cả nước về Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Truyền nhiễm, Phổi...) nhận định luôn luôn phải cảnh giác trên một mức, thêm vào đó phải tập trung trí tuệ, vì thế, những cuộc hội chẩn liên tục, 6 ngày có 5 cuộc, điều chưa từng có trong thời gian đầu của đợt dịch trước.

"Thậm chí có những cuộc kéo dài tới tối muộn với những tranh luận thẳng thắn, công khai. Chúng tôi quyết tâm dồn sức lực, cố gắng cứu chữa bệnh nhân tốt nhất có thể" - PGS Khuê chia sẻ.

Để "chia lửa" với Đà Nẵng trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã lên phương án chuyển các bệnh nhân COVID-19 nặng, có bệnh lý nền từ Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Hiện nay đã có 4 bệnh nhân được chuyển ra đây, đều được thở máy, có bệnh nhân phải lọc máu. Những bệnh nhân nhẹ hơn được chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang, Đà Nẵng.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng tăng cường nhân lực tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị, phương tiện xét nghiệm cho Đà Nẵng, Quảng Nam trong điều trị COVID-19. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... tiếp tục đến hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm