Tập truyện ngắn lập kỷ lục in 15 lần của thầy giáo 40 năm dạy Toán

Đinh Thu Hiền
18/11/2020 - 15:30
Tập truyện ngắn lập kỷ lục in 15 lần của thầy giáo 40 năm dạy Toán

Tập truyện ngắn Tuyệt vọng và bất tử của thầy giáo Phạm Hồng Danh. Ảnh: NVCC

Tập truyện ngắn "Tuyệt vọng và bất tử" của thầy giáo dạy Toán Phạm Hồng Danh vừa được phát hành Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là lần tái bản thứ 15 của cuốn sách, có bổ sung tác phẩm mới

Thầy giáo Phạm Hồng Danh là người có duyên nợ với văn chương. Anh thường ngày giao lưu, trò chuyện với các văn nghệ sĩ Sài Gòn. Đứng trên bục giảng đã 40 năm nay, lại dạy môn Toán trong trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhưng ông thầy này lại mê viết văn để trải ra các chiêm nghiệm vui buồn trong cuộc đời. Như câu thơ mà anh từng viết: "Chuyện đời thường, vẫn thường bất trắc/ Điều trớ trêu, nghĩ cũng thường thôi"

Tập truyện ngắn lập kỷ lục in 15 lần của thầy giáo 40 năm dạy Toán  - Ảnh 1.

Thầy giáo, tiến sĩ toán học Phạm Hồng Danh, tác giả tập truyện ngắn "Tuyệt vọng và bất tử". Ảnh: T.H.N

44 tác phẩm trong "Tuyệt vọng và bất tử" vừa được tái bản và bổ sung là những câu chuyện suy ngẫm rất đời. Không cứng nhắc, chỉ nhẹ nhõm kể lại, các câu chuyện của thầy giáo Phạm Hồng Danh khiến người đọc phải dừng lại để liên tưởng tới bản thân. Tình yêu im lặng mà bền bỉ của Duyên trong "Trước biển"; cuộc đời thăng giáng với rất nhiều cung bậc cảm xúc của các nhân vật trong "Những mảnh đời lắp ghép"; sự trào phúng mà đau đời nằm ở "Điều chỉ có trong nhật ký" ...

15 lần in, tái bản và bổ sung, cứ mỗi lần tái bản thì tác giả lại có thêm 1 truyện mới. Công việc thường ngày của Phạm Hồng Danh là lên giảng đường. Các quy tắc, công thức toán học khô khan nhưng tâm hồn ông thầy dạy Toán lại lãng mạn và mềm yếu. Ngôn từ trong "Tuyệt vọng và bất tử" nhỏ nhẹ, văn mà tựa như kể, và cũng hệt như mọi hỉ nộ ái ố trong cuộc sống đời thường. Lúc ngọt ngào, khi bạo liệt. Lúc hóm hỉnh, khi chua chát. 

Tập truyện ngắn lập kỷ lục in 15 lần của thầy giáo 40 năm dạy Toán  - Ảnh 2.

Bìa tập truyện Tuyệt vọng và bất tử. Ảnh: NVCC

"Tuyệt vọng và bất tử" được in lần đầu tiên vào năm 1999, khi ấy tác giả đã có 20 năm theo nghề dạy học. Phạm Hồng Danh nói anh đã mắc nợ văn chương, nên đã viết cho nhẹ lòng, dù không quá nhiều. 1 tác phẩm đi theo suốt tác giả 20 năm, và có thể là nhiều nhiều năm về sau nữa, rồi từ đó người viết cứ nhẩn nha sáng tác bổ sung, đã là dấu ấn. Trong văn chương chuyên nghiệp, đôi khi chỉ cần đoạn thơ cũng có thể gắn bó và làm nên tên tuổi của tác giả đó sao! Nói như nhà thơ Trần Hoàng Nhân: "Giữ chân được người nghe hay giữ được người đọc không vì mục đích dẫn dụ họ, thay vào đó là sự chia sẻ giữa tác giả và độc giả còn khó hơn rất nhiều. Độc giả vốn dĩ rất tinh, họ sẽ tự tìm thấy điều họ cần khi nghe hay đọc một câu chuyện. Thông qua các tác phẩm, thầy Danh đã chia sớt tâm tình của mình cho nhiều người và để mọi người tự do đón nhận khác với các bài giảng trong giáo trình buộc học trò phải nhớ. Có lẽ, viết văn làm thơ đã giúp thầy Danh cân bằng lại với nhà sư phạm trong ông nói riêng và trong cuộc sống này nói chung".

Tác giả, thầy giáo dạy Toán Phạm Hồng Danh cho biết: "Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 1981, gần 40 năm hoạt động trong ngành giáo dục với nhiều trải nghiệm, với hàng ngàn học sinh đã đến và đi. Vui buồn không nhớ hết. Bao nhiêu lần vấp ngã cũng không đếm nổi. Năm 1985, với tâm trạng buồn bã của 1 người không hiểu nổi chính mình, luôn luôn lắng nghe nhưng không thấu hiểu, tôi đã viết bài thơ: "Người suốt đời tập nói", sau khi được đọc câu: "Người ta cần 2 năm để tập nói nhưng cần 60 năm để tập im lặng". Và từ đó, các câu chuyện được tôi viết ra như 1 sự chia sẻ, tìm kiếm những tâm hồn đồng cảm".

Chính vì những trăn trở như vậy, mà trong lời giới thiệu, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã viết: "Phạm Hồng Danh viết truyện và làm thơ chỉ để thư giãn sau những giờ dạy Toán căng thẳng. Nhưng đọc truyện của anh, người đọc chẳng thấy "thư giãn" chút nào. Anh thường đưa ra những lời nghịch lý, những lời ngụy biện để các nhân vật (và người đọc) lao vào bàn cãi xem ai trắng ai đen. Và người thắng cuộc là người hiểu rằng "có hạnh phúc xen lẫn khổ đau, có đức hạnh xen lẫn lỗi lầm", như trong triết lý Kinh Dịch: Âm trung hữu dương".

Tập truyện ngắn "Tuyệt vọng và bất tử" của thầy giáo Phạm Hồng Danh do NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM ấn hành, tháng 11/2020. Các tác phẩm cùng tác giả: Nha Trang thời lãng mạn (Thơ, NXB Văn Nghễ 2000); Một phân đời (Thơ, NXB Văn Nghệ 2002) cùng hàng chục cuốn sách viết về toán học. Năm 2017, thầy Phạm Hồng Danh bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ toán học. Hiện thầy là Trưởng bộ môn Toán Cơ bản của Đại học Kinh tế TPHCM.


        

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm