4 giờ đồng hồ đi lại để được luyện thi 2 giờ
Nhà ở thị trấn Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, nhưng để phục vụ cho cuộc chạy đua nước rút vào cấp 3, mỗi tuần, em Trịnh Anh Thắng có lịch 5 buổi học thêm ở 1 trung tâm luyện thi bên Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Thời gian đầu, dịp hè năm lớp 8, Thắng và 2 bạn nữa đăng ký học vào thứ 7, chủ nhật nên các em có thể chủ động đi xe buýt. Mỗi ngày, Thắng cùng các bạn phải trải qua hành trình 4 tuyến xe buýt đi - về: Phủ Lỗ - Đông Anh , Đông Anh – Mỹ Đình và các chiều ngược lại. Đoạn đường đi bộ từ nhà ra bến xe buýt, và từ bến xe vào chỗ học, tổng cộng cả đi cả về cũng phải 7 km. Như vậy, tính tổng thời gian lưu hành trên xe buýt, chờ xe liên tuyến, để có 1 ca luyện thi 2 tiếng, các em phải di chuyển mất khoảng 4 giờ đồng hồ.
Các em duy trì việc đi học thêm bằng xe buýt được mấy tháng hè và đầu năm học. Khi vào khoảng giữa năm, việc học ở lớp cũng nặng, việc học thêm ở lò luyện thi lại tăng ca nên không còn cách nào khác, bố mẹ em Thắng phải đầu tư mua một chiếc xe KIA cũ để đưa đón con học thêm mỗi ngày. Những buổi Thắng học thêm bên phố, bố lái xe đưa con đi, ngồi chờ cà phê 2 tiếng rồi lại đón con về.
Băn khoăn chuyện cho con ôn thi xa nhà, với đoạn đường gần 60km cả đi cả về mỗi ngày (sau giờ con học chính khóa ở trường) liệu có đảm bảo sức khỏe của con? Anh Trịnh Hoàng Minh, bố em Thắng cho hay: “Ở trường, ngoài học chính khóa, cháu học thêm môn Văn, Toán của các thầy cô giỏi trong trường. Gia đình đầu tư cho cháu sang nội thành học thêm là muốn hướng cho cháu sau này thi chuyên Lý trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Thương con học hành vất vả, chúng tôi chỉ biết hỗ trợ con hết sức mình chứ chẳng thể học thay con được. Nhiều hôm cháu ngồi lên xe, bố hỏi câu nào thì nói, không thì thôi, vì mệt quá nói không nổi. Mà không riêng gì cháu nhà tôi, một số bạn của cháu cũng vậy, nếu muốn thi vào lớp tốt, trường tốt thì chẳng còn cách nào khác là bố mẹ phải đầu tư tìm thầy tốt, trường tốt. Có thầy, có trường tốt thì xa mấy cũng phải cố gắng thôi!”.
Cũng với suy nghĩ, có trường tốt thì xa mấy cũng phải cố gắng, vợ chồng anh chị Khôi – Hồng (ở Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) năm nay cũng có con thi vào lớp 10. Dù cậu con trai của anh chị nằm trong top 5 của trường nhưng để hướng cho con thi chuyên Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng ngày, anh chị phải cắt cử nhau đưa con đi từ Nguyên Khê sang lò luyện của một thầy ở Thanh Xuân, quãng đường cả đi cả về khoảng hơn 50 km mỗi ngày.
“Trong nhóm 8 gia đình bọn mình chơi thân với nhau thì có 4 nhà năm nay có con thi vào lớp 10. Ban đầu, bọn mình bàn nhau, luân phiên các gia đình đưa đón các con hàng ngày trên cùng 1 tuyến xe sang nội thành học thêm. Nhưng duy trì được khoảng 3 tháng thì nhóm tan, vì lịch học, lò ôn thi, trường các con định thi không trùng nhau. Cuối cùng, nhà nào nhà nấy tự lo. Căng lắm, nhưng vì tương lai các con, đành vậy thôi”, anh Khôi cho biết.
Làm khổ con vì cha mẹ thích “hơn người”
Vì cùng một hội chơi với nhau có con thi vào 10, nên khi các con tách ra học riêng, tâm lý nhà nào cũng muốn con mình phải “hơn” con nhà khác. Vậy là vô hình chung, điều này đã biến thành “cuộc đua ngầm” giữa các phụ huynh có con cùng thi vào 10 trong năm nay.
Lúc này, trên đường đua nước rút của các con thi vào cấp 3, có sự tác động không nhỏ của cha mẹ: Con nhà kia học thầy nổi tiếng trường Chuyên ngữ thì con mình cũng phải tìm thầy “siêu đẳng” của Đại học Quốc gia; con người ta học ngày học đêm thì chí ít con mình cũng phải ca chính ca phụ, hoặc chí ít cũng phải kèm 1 thầy, 1 trò…
Em M.L (học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, Đông Anh) cho biết: Bố mẹ con bảo, thi xong học kỳ, để con tiết kiệm thời gian đi lại, dưỡng sức học hành, bố mẹ con sẽ mời gia sư về nhà để kèm con tất cả các môn học chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp tới.
Thời điểm ngay sau khi các con kết thúc kỳ kiểm tra cuối kỳ II, ưu tiên số 1 của các phụ huynh là tăng hết tốc lực để con có thể “đặt chân” vào ngôi trường cấp 3 chất lượng tốt như kế hoạch. Nhiều phụ huynh đã tình nguyện gác mọi công việc lại chỉ để đầu tư, chăm bẵm cho con học hành.
Sở dĩ, cuộc đua ngày càng trở nên gay cấn và căng thẳng vì theo chị Thúy Bình, một phụ huynh học sinh có con thi vào lớp 10 thì: “Thi đại học thực ra không căng bằng thi vào 10. Nếu trượt đại học trường các con đăng ký nguyện vọng thì còn có cơ hội ghi danh các trường khác, chứ trượt cấp 3 thì các con chỉ có nước vào… trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc vừa học văn hóa, vừa học nghề, tương lai mù mịt lắm!”.