Vào rạng sáng 19/1, Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận, huyện 12, Hóc Môn và Củ Chi (Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh phụ phẩm bò trên đường Nguyễn Thị Kiểu, KP1, phường Hiệp Thành (Quận 12 TPHCM) do bà Nguyễn Thị Xuân làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 3 thùng nhựa lớn đựng sách bò đen thui, bốc mùi được ngâm trong nước trắng đục cùng một máy trộn bê tông loại nhỏ được cắm điện sẵn bên cạnh; hàng chục kg cuống bò, tim bò, lòng bò bày trên nền dụng cụ cáu bẩn; nhiều chân bò chưa cạo sạch lông nằm tênh hênh trên nền nhà dơ bẩn. Kiểm tra tủ đông, đoàn phát hiện nhiều kg phổi, gan bò chảy dịch, bốc mùi hôi.
Bà Xuân giải thích, thứ nước trắng dùng ngâm sách bò là nước vôi, vì nếu để sách bò đen sẽ khó bán nên bà ngâm trong nước vôi rồi cạo sạch cho trắng.
Theo bà Xuân, xưa nay ông bà ta vẫn dùng vôi để hấp bắp nên nghĩ là vôi bột sẽ không ảnh hưởng sức khỏe như mấy loại chất tẩy khác. Còn chiếc máy trộn bê tông loại nhỏ để cạnh các thùng ngâm sách bò vì nhà chật, để ngoài đường sợ mất.
Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn kiểm tra cho rằng, sách bò sau khi ngâm vôi sẽ được cho vào máy trộn bê tông quay tròn để làm sạch, đồng thời làm sách bò mềm và trông ngon mắt hơn. Đây là chiêu thức tẩy trắng sách bò được nhiều hộ kinh doanh áp dụng.
Được biết, cơ sở của bà do bà Xuân kinh doanh phụ phẩm bò đã vài năm, nguồn hàng lấy từ lò mổ tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Sau khi pha lóc, sơ chế, bà Xuân bán cho những người lấy hàng nhỏ lẻ bán rong, bán lề đường, bán cho các quán nhậu để nấu lẩu, phá lấu và làm mồi nhậu.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Xuân không xuất trình được những hồ sơ liên quan nguồn gốc thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đoàn ghi nhận bà Xuân lưu trữ và kinh doanh hơn 1.200 kg phụ phẩm bò. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc, chất lượng những phụ phẩm này và sẽ có hướng xử lý theo đúng quy định.
Tối ngày 18/1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, năm 2018, lượng hàng hóa nhập tại chợ bình quân 2.700 tấn/ngày đêm, với tổng giá trị hàng hóa ước khoảng 45 - 50 tỷ đồng/ngày đêm. Trong đó, thịt heo khoảng 400 tấn (khoảng 5.500 con), trái cây khoảng 500 tấn, rau củ khoảng 1.800 tấn. Đối với mặt hàng thịt heo, vào những ngày cao điểm tại chợ tiêu thụ gấp đôi so với ngày thường, với khoảng gần 11.000 con.
Hàng hóa nhập tại chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 4%, 1% còn lại là từ các nước khác.
Để đảm bảo chất lượng thịt heo trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đã sửa chữa cơ sở vật chất, thay mới hệ thống camera giám sát làm tốt công tác kiểm tra, an ninh chợ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra… Đối với những trường hợp vi phạm, sẽ bị lập biên bản xử lý nghiêm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nhu cầu của người dân tăng cao, hiện nay thịt heo đang tăng giá. Tuy nhiên, số lượng heo được giết mổ tập trung, công nghệ hiện đại tại TP.HCM chưa đáp ứng được 100% nhu cầu, nhiều người lựa chọn vận chuyển heo được giết mổ ở các tỉnh lân cận về thành phố.
Theo bà Lan, qúa trình giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ còn khá phức tạp. Đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm như heo chở đến đã được bơm nước, thịt heo ôi thiu, các dịch bệnh như lở mồm lòng móng, một số lái buôn có chiêu trò chặt chân heo bị bệnh để qua mặt đội kiểm tra… Do đó, địa phương cần phải phối hợp tốt cùng lực lượng thú y nhằm ngăn chặn heo bị bệnh nhập vào thành phố. Mỗi xe hàng, mỗi con heo phải được kiểm tra thật ký, không để lọt lưới hành vi vi phạm.
Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM).