Nhưng về tinh thần quả cảm, cùng với nghị lực “thép” thì có lẽ không mấy ai sánh bằng. Có mặt trong trận tứ kết giải quần vợt Mỹ mở rộng (US Open) - giải quần vợt có mức tiền thưởng cao nhất trong hệ thống các giải đấu thường niên, chắc chắn là một giấc mơ đẹp mà bất cứ tay vợt nào trên thế giới cũng khao khát.
Nhưng với Kanepi, “giấc mơ” ấy càng có giá trị, bởi cô đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được vinh dự ấy. Trước khi lọt vào vòng đấu chính thức của US Open 2017, Kanepi từng có khoảng thời gian vô cùng khó khăn vì bệnh tật giày vò.“Tôi từng không quan tâm, không muốn làm bất cứ điều gì với quần vợt”, tay vợt sinh năm 1985 này chia sẻ sau khi đánh bại đối thủ người Nga Daria Kasatkina ở vòng 4 và ghi tên mình vào vòng tứ kết - nơi trình diễn của 8 tay vợt mạnh nhất giải.
Suốt 2 năm trước đó, cô gần như vắng bóng tại các giải đấu chính thức của hê thống WTA (Hiệp hội quần vợt nhà nghề nữ thế giới) vì chấn thương xuất phát từ viêm gân bàn chân cùng virus Epstein-Barr, nguồn cơn gây nhiễm trùng cấp vùng họng, miệng, có thể dẫn đến biến chứng viêm gan, lách to và thậm chí gây ung thư hạch, ung thư vòm họng.
Với một VĐV chuyên nghiệp, đó thực sự là bi kịch, khi đôi chân không cho phép di chuyển linh hoạt, sự đau đớn về thể xác khiến cho khả năng phản xạ bị hạn chế rõ rệt. Không ít tay vợt đã ngậm ngùi giã từ sự nghiệp khi không thể chịu đựng nổi những cơn đau, và chủ yếu là do tinh thần suy sụp vì tuyệt vọng.
Justin Henin - tay vợt người Bỉ từng nắm giữ ngôi vị số 1 thế giới, buộc phải 2 lần tuyên bố giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp vì chấn thương - chưa chắc đã ở mức độ nghiêm trọng như Kanepi sau này.Nhưng cô gái 32 tuổi đến từ vùng biển Baltic thì khác. Cô dành nhiều thời gian để đọc sách, đi du lịch và cố gắng tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Cô lái xe khắp Estonia thăm bạn bè và thường xuyên dắt chú chó cưng Bossu đi dạo. Kanepi còn trải nghiệm với những buổi tập cùng đồng hương Gerd Kanter, HCV Olympic 2008 môn ném đĩa.
“Tôi cũng đến Hawaii vì tôi chưa từng có kỳ nghỉ nào tại đây. Tôi cố gắng tìm hiểu mình cần điều gì. Tôi đã mệt mỏi với tennis và cần nghỉ ngơi”, tay vợt 32 tuổi nhớ lại. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất, theo lời Kanepi, là chuyến đi tới Phần Lan để tham gia khóa học trở thành một tay đua trên băng chuyên nghiệp.
Kanepi là người phụ nữ duy nhất trong tổng số 34 học viên. Mặc dù đã cố gắng “làm tươi” cuộc sống của mình, nhưng mọi thứ vẫn diễn ra một cách đầy khó khăn, khi mới trước đó, vào năm 2012, Kanepi đã vươn đến thành tích tốt nhất của mình với hạng 15 thế giới với việc lần thứ 2 lọt đến tứ kết Roland Garross (Pháp mở rộng).
Vậy mà đến năm 2015, cô rơi khỏi top 100, năm 2016 còn tệ hơn khi xếp tận hạng 630 của WTA. Với nhiều trải nghiệm, cuối cùng cô nhận ra quần vợt vẫn là “tình yêu tối thượng” của mình. Sau thời gian điều trị dai dẳng, cuối cùng cô cũng đã dần phục hồi thể trạng để quay lại với các giải đấu. Đó là lúc cô phải cố gắng hết sức để lấy lại những gì đã mất.“Tôi luyện tập và thấy bàn chân mình ổn hơn, không còn đau nữa. Vậy tại sao không trở lại? Tôi nhớ cảm xúc được đứng trên sân, cảm giác chiến thắng”, cô kể về cảm giác những ngày đầu mới quay trở lại tập luyện. Quần vợt là một môn thể thao đòi hỏi khổ luyện - chỉ có khổ luyện mới thành công.
Vì vậy, sự trở lại của những tay vợt sau thời gian dài phải nghỉ thi đấu vì chấn thương cùng những tổn thương tâm lý là hết sức khó khăn. Kanepi không là ngoại lệ. Thế nhưng, bằng ý chí tuyệt vời, cô đã có quá trình phục hồi thần tốc - chủ yếu nhờ chế độ tập luyện 10 tiếng/ngày cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chính vì thế, sự xuất hiện của cô ở vòng loại US Open đã gây bất ngờ lớn với nhiều người hâm mộ. Còn khi vào vòng đấu chính thức, cô tiếp tục gây bất ngờ cho các đối thủ khi liên tiếp chinh phục được những tay vợt có thứ hạng cao hơn rất nhiều, trong đó có cựu vô địch Roland Garross, Schiavone (người Italy) sau khi để thua trắng 0-6 trong set đầu, để lọt vào tứ kết.Mặc dù ở tứ kết, cô để thua tay vợt nước chủ nhà Madison Keys nhưng chừng đó đã là quá đủ để đánh dấu sự trở lại đầy hứa hẹn của tay vợt có tinh thần quả cảm này. Sau US Open, thứ hạng của Kanepi được cải thiện mạnh, từ hạng 418 vượt lên hạng 105.
Mục tiêu mà cô đặt ra cho năm 2018 không chỉ là quay trở lại top 100, mà còn chinh phục những giải đấu lớn để chiếm lĩnh những thứ hạng cao hơn. Với cô gái Estonia có tinh thần quả cảm như Kanepi, mọi chuyện đều có thể xảy ra.