pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tế bào ung thư "sợ nhất" 8 thực phẩm này, chợ Việt rất sẵn giá lại rẻ
Nguy cơ mắc ung thư của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như môi trường sống, tiền sử gia đình, tuổi tác, thể trạng sức khỏe,... Trong khi không phải tất cả các loại bệnh ung thư đều có thể phòng ngừa 100% nhưng lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm chống ung thư có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh một cách nhất định.
Ung thư là một nhóm bệnh đặc trưng bởi sự phát triển và lan rộng không kiểm soát của các tế bào. Có hàng trăm loại ung thư, mỗi loại được đặt tên theo khu vực cơ thể mà chúng ảnh hưởng. Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh ung thư phổ biến hàng đầu hiện nay có thể kể đến như: Ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư gan,...
8 thực phẩm chống ung thư chợ Việt có sẵn rất nhiều
Theo Health, dưới đây là 8 thực phẩm chống ung thư mà bạn có thể dễ dàng mua và thêm vào chế độ ăn hàng ngày của gia đình nếu đang băn khoăn ăn gì ngừa ung thư hiệu quả:
1. Quả mọng là thực phẩm chống ung thư hàng đầu
Tiêu thụ quả mọng thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Các loại quả mọng như quả việt quất, dâu tây và quả mâm xôi đen có nhiều hợp chất chống oxy hóa và chống viêm như flavonoid và anthocyanin giúp bảo vệ chống lại tổn thương tế bào và ức chế sản xuất các hợp chất gây viêm, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
Chất chống oxy hóa là các phân tử chống lại quá trình stress oxy hóa tế bào khi có nhiều gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do làm tăng phản ứng hóa học tiêu cực, dẫn tới tổn thương tế bào gây ra bệnh tật và lão hóa.
Một nghiên cứu năm 2023 trên NCBI cho thấy, chế độ ăn nhiều các loại trái cây như quả mọng có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú và ung thư dạ dày.
Hơn nữa, quả mọng có đặc tính chống viêm cao đã được chứng minh. Một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI phân tích dữ liệu của gần 9000 phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn I - III cho thấy, thêm hai khẩu phần quả việt quất mỗi tuần có liên quan tới nguy cơ tử vong do ung thư vú thấp hơn tới 25%.
2. Trái cây họ cam quýt giàu vitamin C và flavonoid
Trái cây họ cam quýt là một thực phẩm chống ung thư khác, bao gồm: Cam, quýt, chanh, bưởi,... chứa đầy các chất dinh dưỡng như chất xơ, carotenoid, folate, vitamin C và các flavonoid. Các chất dinh dưỡng này không chỉ giúp chống oxy hóa mà còn chống viêm, giảm nguy cơ ung thư như ung thư ruột kết, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư vòm họng và một số ung thư vùng đầu cổ khác.
Một đánh giá năm 2023 trên NCBI dựa trên 24 nghiên cứu cho thấy, so với lượng tiêu thụ thấp thì thêm nhiều trái cây họ cam quýt vào chế độ ăn hàng ngày có thể giảm nguy cơ ung thư trực tràng tới 9%.
Theo WebMD, một nghiên cứu lớn của các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, người ăn trái cây họ cam quýt hoặc uống nước ép 3 - 4 lần một tuần ít có nguy cơ mắc ung thư hơn người ăn ít hơn.
3. Táo và lê giàu quercetin
Thêm quả táo và lê vào danh sách thực phẩm chống ung thư là bởi hai loại quả này vốn nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C và flavonoid cùng quercetin (một loại sắc tố thực vật) và polysaccharides, một loại loại carbohydrate. Cả hai đều có thể giúp chống lại tế bào ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư trực tràng và các ung thư đường tiêu hóa khác.
Trong đó, nghiên cứu năm 2023 trên NCBI được đề cập ở trên cũng cho thấy, thêm táo vào chế độ ăn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư trực tràng tới 25%.
4. Rau lá xanh giàu carotenoid
Giống như các loại trái cây thì rau lá xanh cũng giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa chẳng hạn như carotenoid, chẳng hạn như beta-carotene, lutein và zeaxanthin, có đặc tính chống viêm và bảo vệ tế bào mạnh mẽ.
Các loại rau lá xanh chống ung thư phổ biến có thể kể đến như bông cải xanh, rau bina, rau cải xoăn, cải cầu vồng,...
Nồng độ carotenoid trong máu cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư thấp hơn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI nghiên cứu trên 3.614 phụ nữ (1.919 người trong số họ có nguy cơ mắc ung thư vú cao) cho thấy những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú có nồng độ carotenoid trong máu cao nhất có nguy cơ mắc ung thư vú giảm đáng kể 28,6% so với những phụ nữ có nồng độ thấp nhất.
Một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI khác thực hiện bao gồm 915 người đã phát hiện ra rằng mỗi khẩu phần rau họ cải ăn sống và nấu chín, chẳng hạn như cải xoăn, cải cầu vồng và cải lông, mỗi tuần có liên quan đến việc giảm 7 - 15% nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.
Hơn nữa, các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải xoăn còn chứa các chất hóa học thực vật chứa lưu huỳnh được gọi là lucosinolate. Cơ thể chuyển đổi glucosinolate thành các phân tử được gọi là isothiocyanate, có đặc tính chống ung thư mạnh, bao gồm ung thư vú, dạ dày, phổi và tuyến tụy.
Một nghiên cứu năm 2020 bao gồm 292 người bị ung thư dạ dày và 1.168 người khỏe mạnh đã phát hiện ra rằng, so với lượng tiêu thụ thấp hơn, những người tham gia ăn nhiều rau họ cải nhất có nguy cơ mắc ung thư dạ dày giảm 41%. Tương tự như nghiên cứu điều tra tác động của việc tiêu thụ rau họ cải và nguy cơ ung thư tuyến tụy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ rau họ cải mang lại khả năng bảo vệ tốt nhất chống lại ung thư dạ dày.
5. Rau họ hành
Các loại rau họ hành bao gồm tỏi, hành tây, tỏi tây,... không chỉ là "thuốc quét mỡ" cho gan mà còn chứa các hợp chất thực vật có thể giúp cơ thể bảo vệ chống lại một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và một số ung thư phổ biến khác.
Các hợp chất có đặc tính chống ung thư của rau họ hành có thể kể đến như hợp chất organosulfur và vitamin C. Có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Một phân tích tổng hợp năm 2022 trên NCBI dựa trên 17 nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có thói quen ăn nhiều rau họ hành nhất có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 30% so với những phụ nữ ăn ít loại rau này.
6. Hải sản, đặc biệt là các loại cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi,... là nguồn cung cấp dồi dào axit béo omega - 3 nhóm eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). EPA và DHA có tác dụng chống viêm mạnh và cũng giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Ngoài EPA và DHA, cá béo cung cấp các chất dinh dưỡng chống oxy hóa như vitamin E và selen, cũng như chất chống oxy hóa carotenoid, có thể có tác dụng bảo vệ cơ thể và ngăn ngừa ung thư.
Ăn cá thường xuyên như một thực phẩm chống ung thư có thể giúp chống lại một số loại ung thư bao gồm ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư gan.
Trong một đánh giá năm 2022 trên NCBI về 25 nghiên cứu, người ta thấy rằng những người tiêu thụ nhiều cá nhất có nguy cơ mắc ung thư đại tràng giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 50 gam lượng cá tiêu thụ hàng ngày có liên quan đến việc giảm đáng kể 4% nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
7. Các loại đậu
Các loại đậu, bao gồm đậu và đậu lăng, có nhiều chất dinh dưỡng có đặc tính chống ung thư, chẳng hạn như chất xơ và khoáng chất. Các loại đậu cũng chứa các chất hoạt tính sinh học như hợp chất phenolic, có thể giúp giảm viêm và bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, giúp tăng thêm tác dụng chống ung thư của chúng như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại tràng.
Một đánh giá năm 2022 trên NCBI bao gồm 29 nghiên cứu về các loại đậu cho thấy cứ mỗi 100 gam đậu tiêu thụ mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 21% nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Chất xơ trong đậu làm loãng các chất gây ung thư trong phân hoặc các hợp chất gây ung thư, tăng khối lượng phân, chống táo bón và tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn, đây là hợp chất có tác dụng chống ung thư trong hệ tiêu hóa.
8. Thảo mộc và gia vị
Các loại thảo mộc và gia vị như nghệ, hương thảo, kinh giới, húng tây và gừng chứa các hợp chất thực vật có thể giúp bảo vệ chống lại ung thư. Ví dụ, nghệ chứa curcumin, một polyphenol có đặc tính chống ung thư mạnh mẽ. Curcumin đã được chứng minh là có thể gây ra apoptosis (còn gọi là quá trình chết tế bào theo chương trình) trong các tế bào ung thư và ngăn chặn các đường truyền tín hiệu liên quan đến sự xâm lấn và lây lan của các tế bào ung thư.
Axit rosmarinic, có nhiều trong hương thảo và kinh giới, và apigenin, có trong rau mùi tây, cũng đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư vì nó giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng stress oxy hóa.
Vì chúng giàu hợp chất chống ung thư, việc kết hợp các loại thảo mộc và gia vị vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Trên thực tế, các loại thảo mộc và gia vị thường được sử dụng trong các chế độ ăn uống liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, có nhiều thảo mộc và gia vị như oregano, hương thảo, tỏi và ớt bột.
Thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh để giảm nguy cơ ung thư
Bên cạnh việc chú ý tăng cường các thực phẩm chống ung thư vào chế độ ăn thì cần tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư và thay thế bằng các lựa chọn lành mạnh hơn.
Bao gồm:
- Thực phẩm chiên rán giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Thực phẩm siêu chế biến.
- Thức ăn nhanh.
- Thực phẩm và đồ uống nhiều đường bổ sung.
- Rượu bia.
- Thịt đỏ và thịt đỏ chế biến.
- Carbohydrate tinh chế.
Tiêu thụ những thực phẩm và đồ uống này quá thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách gây viêm, tổn thương tế bào, béo phì và các yếu tố tăng nguy cơ ung thư khác.
Chẳng hạn, tiêu thụ nhiều thức ăn chiên rán có liên quan đáng kể đến nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng cao. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều thức ăn chiên rán có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn, bao gồm ung thư vú, dạ dày và tuyến tụy. Một đánh giá năm 2023 trên NCBI theo18 nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều thực phẩm chiên rán có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên hơn 50%.
Tóm lại, mặc dù không có loại thực phẩm nào có thể bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc ung thư 100% nhưng việc áp dụng chế độ ăn nhiều thực phẩm chống ung thư, giàu dinh dưỡng lành mạnh và hạn chế thực phẩm, đồ uống có liên quan tới nguy cơ cao ung thư là một trong những biện pháp tăng cường sức khỏe tổng thể hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, trong đó có bệnh ung thư.