Giáo dục

Teen đẫm nước mắt tổn thương vì bị bố mẹ 'bạo hành'

09/08/2018 - 07:09 PM
Bị mẹ dùng mắc áo đánh, bị bố lôi ra ngoài sân bắt quỳ giữa đêm... đó là những nỗi hoảng sợ của teen, khiến nhiều em hoảng sợ và hận bố mẹ. Nên kỷ luật thế nào để trẻ không cảm thấy tổn thương mà vẫn thay đổi tích cực là điều nhiều phụ huynh quan tâm.
giao-ducstill001.jpg
Một em học sinh vừa khóc vừa chia sẻ về nỗi đau khi đối thoại với bố

Trong video clip do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway thực hiện, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bất lực khi giáo dục con cái. Còn các con thì tỏ ra sợ hãi.

 

Tại chương trình Tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?” vừa tổ chức mới đây, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng: “Trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ”. Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
 
Bàn về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster cho rằng, hầu hết những người có hành vi lạm dụng trẻ em thực sự yêu con cái của họ nhưng vấn đề ở chỗ họ không có kiến thức, kỹ năng để yêu thương con đúng cách.
 
img_1677.jpg
 Các chuyên gia có mặt trong Tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?"

 

Theo chuyên gia Steven Foster, giáo viên và phụ huynh cần được học cách để biết đâu là giới hạn của kỷ luật. Kỷ luật luôn hướng về giảng dạy. Bạo lực luôn hướng về kiểm soát. Kỷ luật tích cực cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái, ở đó phụ huynh cần sử dụng cả tình yêu thương và sự kiên định cùng một lúc.
 
 
Đồng quan điểm với chuyên gia Steven Foster, chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng – Giám đốc học thuật Trường MNQT Sakura Montessori chia sẻ: Sáu năm đầu đời được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của đứa trẻ. Trong giai đoạn này trẻ cần phát triển cảm giác tin tưởng: Tin tưởng bản thân mình, tin tưởng người khác và tin tưởng thế giới xung quanh. Tuy nhiên, người lớn thường có xu hướng kiểm soát thái quá, khi chúng ta không có khả năng điều chỉnh trẻ, chúng ta thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ về những hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Chúng ta cũng thường có xu hướng xét nét những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực và làm thay cho trẻ những gì trẻ có thể làm được.
 
Chia sẻ tại Toạ đàm, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức – Giám đốc học thuật trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cho rằng “giáo dục” là một quá trình, và “dạy” là một thao tác. Nhiều khi, phụ huynh và giáo viên đều nôn nóng, muốn quá trình “giáo dục” được diễn ra nhanh gọn như thao tác “dạy”.
 
“Điều phụ huynh nên làm là trở thành một người bạn và đồng hành cùng với trẻ, cùng trẻ đặt ra những luật chơi và tuân thủ luật chơi đó. Mức độ phức tạp của luật chơi có thể tăng dần, và độ cam kết từ cả hai bên cũng cần phải tăng dần. Khi ta hoặc trẻ vi phạm luật chơi, bất luận là ai, cũng phải tự nhìn ra hậu quả của việc vi phạm đó và tự đề ra giải pháp khắc phục, đồng thời xem xét cập nhật luật chơi nếu cần thiết”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn