Tết đầm ấm với người dân vùng biển Tây Nam

09/02/2019 - 13:23
Dù còn khó khăn, người dân vùng biển Tây Nam vẫn tổ chức chương trình Tết thắm đượm nghĩa tình, thể hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Vùng biển Tây Nam có nhiều đảo như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc và Thổ Chu; có những hòn đảo nằm cách đất liền vài trăm km. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khi Tết đến xuân về người dân địa phương vẫn tổ chức nhiều chương trình Tết thắm đượm nghĩa tình làng xóm, tình quân dân thể hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

tay-nam-1.jpg
Quân và dân trên đảo Hòn Chuối cùng ăn Tết.

 

Khác với đất liền có chợ hoa, chợ Tết bán đầy đủ các loại hoa kiểng phục vụ người dân đón năm mới, tại các đảo Tây Nam không có chợ hoa, chợ tết. Khi tết đến xuân về người dân trên đảo rủ nhau lên rừng hái hoa về trưng bày tại nhà. Mai rừng tuy không đẹp bằng mai kiểng trên đất liền nhưng tự nhiên, mang mùi thơm đặc trưng của núi rừng. Mỗi gia đình chỉ cần hái được một nhánh mai rừng về trưng tại nhà là đủ để đón mùa xuân.

Chị Bùi Thanh Giàu ở xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết, năm nào cũng vậy, chị thường vào rừng rất sớm để tìm những cây mai đẹp để trưng bày trong những ngày Tết và mua trái cây, phần lớn cũng được đưa từ đất liền ra đảo nên giá bán khá cao.

Không đủ lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh tét, người dân trên đảo có sáng kiến dùng lá bàng vuông. Cây bàng vuông là loại cây thích nghi với núi rừng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt nên mọc khá nhiều trên đảo. Để gói được bánh, phải chọn lá từ những cây bàng đang trưởng thành, lá bàng to và dày. Lá sau khi hái về, để giữ lá tươi lâu không nên rửa mà chỉ vảy nước vừa đủ ướt hai mặt lá, sau đó lau sạch và xếp chồng lên nhau.

tay-nam-3.jpg
Hầu hết hàng hòa phục vụ Tết của người dân trên đảo đều mua về từ đất liền.

 

Những người có kinh nghiệm nhiều năm gói bánh bằng lá bàng cho biết, do lá giòn hơn lá dong nên khi làm sạch lá sẽ quấn vào ống tre, để lá mềm và giữ được màu xanh. Thiếu thốn là vậy, nhưng năm nào người dân trên đảo vẫn có bánh chưng, bánh tét trong những ngày Tết.

Chị Nguyễn Thanh Trang ở đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chia sẻ, phần lớn bánh ăn Tết là do người dân cùng với các anh chiến sỹ trên đảo tự chế biến ra. Mặc dù không  được đầy đủ như trên đất liền, nhưng người dân và các anh chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo vẫn kết hợp với nhau để đón năm mới vui tươi, đầm ấm.

Anh Lê Văn Phương, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối, kể: trên đảo có khoảng 55 hộ dân sống rất đoàn kết, tối lửa tắt đèn có nhau. Do làm việc lâu năm trên đảo nên anh đã thuộc và nhớ hết tên các hộ gia đình trên đảo, nếu có người lạ xuất hiện sẽ được phát hiện ngay. Khi Tết đến xuân về người dân trên đảo tập hợp lại không thiếu một ai để đón năm  mới cùng với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo.

Thổ Chu là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các đảo khác trong khu vực biển Tây Nam. Nơi đây hiện có khoảng 550 hộ dân sinh sống, nên được thành lập đơn vị hành chính cấp xã gọi là xã Thổ Châu nằm cách đất liền khoảng 220 km. Người dân Thổ Chu sống chủ yếu làm nghề khai thác biển và dịch vụ nghề cá. So với các đảo khác đời sống người dân trên đảo này có khấm khá hơn, nhưng vẫn còn khó khăn về điện và nước sạch. Khi tết đến xuân về Chính quyền xã đều tổ chức chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" để đón chào năm mới.

Ông Nguyễn Trọng Hồng, Phó bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu, cho biết: Hàng năm vào dịp Tết, địa phương và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp tổ chức Tết nguyên đán, trước hết tổ chức đoàn đi thăm chúc tết các gia đình chính sách, các hộ nghèo. Địa phương đi thăm và động viên các cán bộ chiến sỹ ăn tết vui vẻ bảo đảm.

Quần đảo Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang có 21 hòn đảo lớn nhỏ  nằm cách đất liền khoảng 100 km với phong cảnh thiên nhiên rất hoang sơ, hữu tình thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Hàng năm, cứ đến tết nguyên đán, các cán bộ chiến sỹ đều có chương trình văn nghệ đón năm mới phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.

Đến với chương trình văn nghệ đón chào năm mới, du khách sẽ được lắng nghe và cảm nhận những lời ca, tiếng hát những điệu múa, câu hò của quân - dân trên đảo, thể hiện niềm tự hào về quê hương; thể hiện ước mơ, khát vọng vươn lên trong cuộc sống của người dân vùng biển đảo cực nam của Tổ quốc thân yêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm