pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tết năm Sửu, thăm những người dân nuôi trâu ở đất võ Bình Định
Ở xã Vĩnh An, trâu không chỉ là tài sản mà còn là con vật nuôi thân cận, được yêu quý nhất.
Nhờ nuôi trâu mà nhà sắm được xe máy, ti vi…
Nuôi trâu "nhàn hạ" nhất phải kể đến tập quán nuôi thả rông trong rừng của đồng bào miền núi. Những sườn đồi, cánh rừng bạt ngàn cùng khe suối là điều kiện lý tưởng để trâu tự tìm nguồn thức ăn, thỏa sở thích dầm mình trong nước và sinh trưởng. Người nuôi tháng đôi lần đi thăm trâu, theo dõi trâu nái sinh sản để kịp thời "cập nhật" số lượng. Đến mùa đông, chủ dắt trâu về nuôi trong chuồng cho ấm và ăn Tết, sau đó lại cho vào rừng đến khi nào cần bán trâu, người ta mới dắt về.
Ông Đinh Krép (ngụ làng Xà Tang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được xem là người nuôi mát tay nhất xã miền núi này. Năm 1987, gia đình ông bắt đầu nuôi trâu nhờ vốn liếng là 2 con trâu tơ do Nhà nước cho mượn theo chính sách hỗ trợ vật nuôi. Sau hơn 3 năm, vợ chồng ông trả được nợ, đàn trâu cũng tăng lên 4 con. Và cứ thế, 2 trâu nái đều đặn một năm rưỡi cho trâu nghé.
"Quanh năm, trâu ăn trên núi, người nuôi kết hợp đi làm rẫy, lấy mật, hái rau, lượm củi ghé thăm. Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong vùng, vài ba năm có thể sắm được xe máy, ti vi… là nhờ nguồn bán trâu", ông Krép chia sẻ.
"Triệu phú" trâu của thôn Thanh Huy 1 (xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là vợ chồng chị Huỳnh Thị Ngọc Thi. Đôi vợ chồng này hiện sở hữu đàn trâu 11 con và một cơ ngơi mơ ước.
Nhà nằm quay mặt ra Bàu Súng rộng lớn, mát mẻ, quanh năm cỏ lác xanh tốt, hơn 6 năm trước từ khi ra riêng xây nhà tại đây, vợ chồng chị Thi liền nối nghề nuôi trâu ăn nên làm ra của cha mẹ. Bắt đầu với 2 con nghé cái, hiện đàn trâu có 4 đực, 3 nái và 4 nghé.
"Nếu tính luôn những con đã bán, tất cả đều là con, cháu của 2 con trâu cái tốt nết sinh sản ấy. Để đủ rơm cho trâu ăn, mỗi mùa vợ chồng tôi làm đến 3 mẫu ruộng nhưng cũng nhờ tiền bán trâu mà sắm được máy cày, nhiều máy móc nhà nông khác. Nhờ mạnh dạn kết hợp nuôi trâu, làm ruộng số lượng lớn mà vợ chồng tôi xây được nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học chu đáo. Thành quả đúng như ông bà nói con trâu là đầu cơ nghiệp", chị Thi phấn khởi cho biết.
Mang trâu đi cày để bớt nhớ việc đồng áng ngày xưa
Từ nhiều năm qua, con trâu đã làm xong "sứ mệnh lịch sử" của mình trên cánh đồng. Theo lẽ tự nhiên, khi giữa trâu và người nông dân không còn cùng nhau cần lao, giảm dần sự gắn bó thì tình cảm cũng nhạt dần. Tuy vậy, ngay cả khi "nghiệp trâu" theo sự đổi thay của xã hội đã chuyển thành nuôi chỉ để bán cho thương lái xẻ thịt như hiện nay, tình thương của chủ nuôi dành cho loài vật này vẫn rất đặc biệt.
Theo già làng Đinh Đen (ngụ làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An), đồng bào nơi đây bắt đầu nuôi trâu mạnh và sử dụng trâu vào việc nhà nông là từ sau năm 1945. Thời Pháp thuộc, đồng bào vẫn nuôi nhưng ít. Trâu được xem là con vật thiêng, dùng cho lễ hội đâm trâu, khi cúng Giàng và xẻ thịt trữ ăn dần.
Tuy nhiên, sau thấy người Kinh dùng trâu để cày bừa, kéo cộ, chở phân bón, thu hoạch nông sản... khiến việc nhà nông đỡ nhọc nhằn, đồng bào mới làm lễ xin phép Giàng học theo bà con miền xuôi. Từ đó, trâu tham gia vào nghề nông ở vùng cao.
"Điều đặc biệt là từ khi trâu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng bào tuyệt đối không dùng trâu làng để đâm trâu cũng như mọi việc cúng tế khác nữa. Bà còn hoàn toàn sử dụng trâu mua từ ngoài xã về nhưng vẫn rất cảm thương. Rồi dần dà thực hiện theo xu hướng tiến bộ, bà con đã thống nhất thay thế bằng hình thức sân khấu hóa. Ở đây, trâu không chỉ là tài sản mà còn là con vật nuôi thân cận, được yêu quý nhất", già làng Đen cho biết.
Tuy không phải hộ nuôi nhiều trâu nhất, nhưng ông Huỳnh Văn Tấn (ngụ thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nổi tiếng trong giới nuôi trâu ở địa phương, bởi là người duy nhất còn sử dụng trâu để cày.
Bà Phạm Thị Em (vợ ông Tấn) kể, cứ đến mùa vụ mới, "ông Tấn thuê máy cày, còn "ngẫu hứng" thì ông đem con Cái Lớn hay Cái Giữa, Cái Mới… ra cày. Hàng xóm bảo tiết kiệm được bao nhiêu mà khổ thân, ông chỉ cười giải thích rằng tận dụng của nhà có sẵn. Tuy nhiên, bà biết là ông nhớ chuyện làm đồng áng kiểu cũ.
"Thương nhất là thỉnh thoảng mới cày nhưng chúng không quên việc, dí thá ngoan ngoãn, đường cày thẳng tắp, sắc lẽm, góc bờ vuông vắn", bà Em tự hào nói về đàn trâu nhà.
Vợ chồng ông Tấn xác định trâu đực lớn lên thì bán nên không đặt tên, còn trâu cái qua một lứa nếu tốt nết đẻ để nuôi nái thì sẽ đặt tên. Con trâu nái đầu tiên có tên Cái Mẹ, sinh ra con theo thứ tự đặt Cái Lớn, Cái Thứ… Nếu nái mua từ bên ngoài về gầy sẽ được đặt tên Cái Mới, các con của nó là Cái Mới Lớn, Cái Mới Thứ…
"Hơn 20 năm qua, 5 đứa con được học hành đến nơi đến chốn, ra riêng ổn định cũng một phần nhờ những lứa trâu suôn sẻ. Tuy không mau thu hoạch như nuôi lợn nhưng nuôi trâu ít tốn kém, ít đau bệnh, lại không kén ăn, dễ dạy, hiền lành. Tôi ước gì có điều kiện chăn thả để gắn bó thêm chừng chục năm nữa, đến khi nào già quá không làm nổi mới thôi", ông Tấn tâm sự.
Với chị Thi, hơn 6 năm kể từ khi "gia nhập" nghề nuôi trâu, lúc nào đàn cũng trên 10 con. Nhìn vậy, ai cũng bảo chị vất vả nhưng bản thân chị thấy không phải vậy.
"Hàng xóm hay đùa rằng vợ chồng tôi ở Bàu Súng nhiều hơn ở nhà. Với tôi, điều đó cũng chẳng sao, bởi gia sản mấy trăm triệu ở ngoài đồng, nếu có theo giữ thì cũng đáng lắm. Có nuôi mới hiểu trâu là giống loài rất khôn và tình cảm. Tôi chỉ mong sao giá cả ổn định, đừng dịch bệnh, dẫu cực mấy cũng vui vẻ gắn bó với con vật nuôi dễ mến này", chị Thi chia sẻ.