pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tết Nhân ái" 2023 có nhiều hoạt động hướng đến phụ nữ, trẻ em
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà Tết cho người dân ở Vĩnh Phúc
Liên quan đến Chương trình "Tết nhân ái" 2023 do Trung ương Hội Chữ Thập đỏ triển khai - một chương trình hết sức ý nghĩa với người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến, xuân sang, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- Điểm mới của Chương trình Tết nhân ái 2023 năm nay là gì, thưa bà?
Bà Bùi Thị Hòa: Đó là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, bao gồm: Tặng quà và chúc Tết, chuỗi "Chợ Tết Nhân ái", "Cửa hàng dịch vụ đón Tết", cỗ Tết, hoạt động vui Tết. Các hoạt động đều gắn với việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Trung ương Hội tổ chức điểm Chương trình "Tết Nhân ái" tại 10 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam (gồm: Hà Nội, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Kiên Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thanh Hóa), đảm bảo sự đa dạng các vùng miền, đa dạng các đối tượng được trợ giúp, từ biên giới xa xôi miền núi phía Bắc, hay những địa phương bị ảnh bởi thiên tai, bão lũ, các địa bàn nhiều khu công nghiệp.
Ngoài 10 địa phương tổ chức điểm, nhiều tỉnh, thành Hội đều có kế hoạch để tổ chức phong trào ở các quy mô khác nhau tạo nên không gian Tết rộn ràng, ý nghĩa, tràn đầy yêu thương, mang đến cho mỗi người dân những hoạt động vô cùng ý nghĩa thiết thực và ấn tượng, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho mỗi người.
Một điểm đặc biệt nữa là Chương trình năm nay thu hút sự tham gia đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân với đa dạng hình thức hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ; người có công giúp công, có của giúp của, có mối quan hệ thì kết nối, chung tay góp sức để mang đến nhiều phần quà ý nghĩa thiết thực trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết trong sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng.
Phong trào "Tết Nhân ái" được kế thừa từ Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Các hoạt động của Phong trào "Tết Nhân ái" được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: Tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có.
- Đến thời điểm này, Chương trình Tết nhân ái 2023 đã triển khai đến đâu?
Bà Bùi Thị Hòa: Đến 09/01, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai Phong trào "Tết Nhân ái" với tổng giá trị tiền và hàng hơn 33 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ tiền mặt hơn 16 tỷ đồng cho 48 tỉnh, thành phố; hỗ trợ hơn 77.700 sản phẩm sữa cho 54 tỉnh, thành phố với trị giá hơn 16 tỷ đồng; hỗ trợ các sản phẩm hàng gia dụng cho 05 tỉnh với trị giá gần 01 tỷ đồng.
Trung ương Hội dự kiến sẽ phục vụ các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và tặng quà Tết tại các tỉnh: Bình Phước, Kiên Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đắk Lắc, Hà Nội. Trung ương Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ 10 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Kiên Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thanh Hóa) tổ chức điểm Chương trình "Tết Nhân ái" gồm chuỗi các hoạt động Tặng quà - Hội Chợ - Vui Tết, phục vụ 15.000 người hưởng lợi.
Đến nay đã có hơn 50 tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các cấp Hội thực hiện vận động nguồn lực phấn đấu đạt chỉ tiêu 1 triệu suất quà tết. Nhiều tỉnh đã tổ chức phát động Phong trào "Tết Nhân ái" như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nam, Lạng Sơn…
- Phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng đặc biệt trong xã hội, cần được trợ giúp. Vậy Chương trình "Tết nhân ái" 2023 có những điểm đặc biệt nào dành riêng cho những đối tượng này không?
Bà Bùi Thị Hòa: Đối tượng thụ hưởng của Phong trào "Tết Nhân ái" Xuân Quý Mão 2023 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng tới đa dạng người hưởng lợi: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2022, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (trong đó có những ưu tiên đối với những hộ gia đình có những nhóm người dễ bị tổn thương như: Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn,...); người không có điều kiện vui xuân, đón Tết cùng với gia đình (người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống tại các trung tâm nuôi dưỡng tập trung; người vô gia cư, xóm trọ lao động, xóm trọ bệnh nhân…) …
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có văn bản gửi Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh/thành phố về việc đồng hành cùng Phong trào "Tết Nhân ái" Xuân Quý Mão 2023. Theo đó, hai bên phối hợp lập danh sách người hưởng lợi và điều phối các hoạt động chăm lo, hỗ trợ Tết đảm bảo không trùng lặp đối tượng hưởng lợi.
Đặc biệt tại 10 tỉnh/thành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức điểm Chương trình "Tết Nhân ái", Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp tham gia đóng góp các "Gian hàng 0 đồng", tổ chức các hoạt động vui xuân - đón tết, văn hóa, văn nghệ tại Chương trình. Đồng thời, phối hợp triển khai trao các gói hỗ trợ tặng phụ nữ nghèo thuộc Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2022 lồng ghép trong các Chương trình "Tết Nhân ái" tại các địa phương.