1. Vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mẹ tôi thường tặng cho các con nhỏ một món quà hay những bộ quần áo mới. Khi tản cư lên Tuyên Quang trong chiến khu Việt Bắc, không có điều kiện để mua mới, mẹ lấy những chiếc áo dài kỷ niệm của mình cắt lại thành bộ cánh đẹp cho trẻ con.
Với chúng tôi, vậy cũng đã vui lắm rồi. |
Gia đình giáo sư Nguyễn Văn Huyên |
Dù là Tết trong kháng chiến hay sau này khi đất nước đã hòa bình, bước vào giai đoạn khó khăn của thời bao cấp, mẹ tôi luôn giữ tập tục gói bánh chưng trong gia đình. Mẹ muốn cả nhà cùng tham gia, đó là dịp để mọi người cùng làm việc với nhau, cùng trò chuyện, gắn bó với nhau hơn. Sau này, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu xa của việc mẹ tổ chức tự gói bánh chưng ở nhà... Anh em chúng tôi ai cũng vui vẻ cũng phụ giúp mẹ các phần việc, người đãi đỗ, người rửa lá dong, mẹ thái thịt, ướp thịt và gói bánh…
Mẹ gói bánh rất giỏi, không cần dùng đến khuôn mà những chiếc bánh nào cũng vuông thành sắc cạnh, đều tăm tắp. Ngoài bánh chưng mặn, nhân thịt và đậu xanh như mọi nhà, mẹ tôi còn gói thêm cả bánh chưng đường. Chúng tôi vẫn nói với nhau, đó là đặc sản của bánh chưng Lạng Sơn quê mẹ. Sau này, khi về lại Hà Nội, mẹ tôi còn gói thêm cả loại bánh chưng thập cẩm (nhân bánh ngoài đậu xanh, thịt lợn còn có mứt sen, lạp sườn), bánh chưng gấc. Những chiếc bánh chưng sau khi mẹ gói xong được bỏ vào chiếc nồi to, luộc trên bếp củi suốt đêm cho tới khi đủ 12 tiếng.
Củi gộc được tích lại từ nhiều tháng trước. Nay nhiều khi đi đường, nhìn thấy những cây, cành to vứt dọc đường tôi lại chạnh nhớ bếp lửa nấu bánh chưng thủa xưa. Cả nhà tôi thay nhau thức đêm canh nồi bánh chưng. Mẹ tôi thường kể lại ngày xưa, mẹ và bà ngoại cũng thường gói bánh chưng cho cả nhà. Chúng tôi tung tăng nhảy nhót, ca hát quanh nồi bánh, sau đó rủ nhau chơi cờ, tam cúc. Đến khi mệt, chúng tôi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi đã thấy những chiếc bánh đã được xếp gọn gàng và ép cho ráo nước.
Sau này, mẹ ngày một già yếu nhưng chưa bao giờ mẹ bỏ gói bánh chưng dịp Tết. Có năm mẹ mệt nên gói phần lượt đầu, lá dong úp mặt xanh vào trong để tạo màu xanh cho bánh. Anh chị em chúng tôi gói tiếp lượt lá thứ hai, tức là lá dong ngửa mặt xanh ra ngoài để bánh được đẹp. Anh rể tôi gói bánh cũng rất khéo.
Với mẹ tôi, gói bánh không phải chỉ để có cái ăn ngày Tết. Đó còn vừa là biểu tượng của sự đoàn tụ gia đình, vừa là cách xây dựng gia đình đầm ấm nhiều thế hệ. Mọi người già trẻ, dâu rể, con cháu cùng xắn tay lo đón xuân mới. Mẹ rất vui khi được sống trong bầu không khí ấm cúng, ai cũng hân hoan, nghĩ về những điều bình an, may mắn sẽ đến với đại gia đình trong năm mới. Chúng tôi lại thầm mong mẹ trường thọ, để có thể tiếp tục nhiều lần gói bánh chưng nữa mỗi khi Tết đến xuân về.
2. Ngày Tết, ngoài gói bánh chưng, cha mẹ tôi còn tổ chức cho các con đi chơi Tết. Khi còn ở Hà Nội, nơi đầu tiên chúng tôi đến dịp năm mới là Văn Miếu, sau đó mẹ tôi dắt các con đến chùa Trấn Quốc lễ Phật. Mẹ và các con gái luôn mặc áo dài tề chỉnh, đầu tóc chải gọn gàng, con trai mặc sơmi lịch sự.
Gia đình sum họp vào ngày Tết năm 1986 |
Ngoài Tết ở phố thị, tôi còn ấn tượng với nhiều cái Tết vùng cao mà tôi được đón cùng gia đình trong quá trình đi tản cư. Năm 1950, chúng tôi đón Tết ở làng Ải, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Bà con làng Ải có rất nhiều trò chơi để vui đùa như trò đu tre, ném còn... Một cái Tết khác anh chị em tôi rất ấn tượng là ở Việt Bắc. Dù khó khăn nhưng mọi người, cả các sinh viên trường Đại học Y ở bên kia sông sang vui tết cùng cùng gia đình, vẫn cố gắng sáng tạo ra các trò chơi xuân vui nhộn như trò “Tông bô la” - mua xổ số quay thưởng. Chúng tôi được mẹ mua cho mấy vé và trúng mấy món quà liền. Nhưng khi mở quà ra, cái là chiếc ấm tích đã nứt, cái là chiếc giày há mõm khiến ai cũng đau bụng cười. Ở Việt Bắc, thay cho những câu chúc nhau “trăm tuổi”, mừng tuổi nhau bằng phong bao, ngày đầu xuân người ta tay bắt mặt mừng chúc nhau: “Kháng chiến mau thành công, đất nước mau hòa bình”, “Sớm về lại Thủ đô”.
Nhà tôi có luật bất thành văn là trong ngày đầu năm, mỗi người đều tự ngẫm những điều đã làm được và chưa làm được trong năm qua mà chúng tôi quen gọi là “bản kiểm điểm” để báo cáo ông bà. Sáng mùng Một Tết, con cháu về tụ hội, thắp hương cho tổ tiên, ông bà rồi lần lượt từ bậc cao niên đến ấu niên thay nhau “báo cáo”, trẻ nhỏ thì đọc trước bàn thờ tiên tổ, trong sự chứng kiến của các thành viên còn lại. Cả nhà vui vẻ tán thưởng những thành tích và hoan nghênh những dự định tương lai của mỗi người nhất là của con trẻ. Sau này, khi bố mẹ tôi mất đi, nếp sinh hoạt này vẫn được các thế hệ con cháu duy trì đến tận ngày hôm nay...
Sáng mồng Một, tất con cháu đều tìm về ngôi nhà của ông bà, lần lượt báo cáo kết quả làm việc, học tập, rèn luyện đạo đức. Con cháu du học hay công tác xa nhà thì đúng giờ là gọi điện thoại về hay dùng skype có hình trò chuyện với ông bà. Mọi người nhìn thấy nhau trong tiếng cười, chúc mừng xuân mới vui vẻ. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn bữa cơm đoàn tụ. Ai nấy trong lòng đều thấy ấm áp, thầm cảm ơn ông bà đã tạo dựng cho con cháu một nếp nhà vững chãi để làm điểm tựa trên đường đời.