Tết Việt Nam rộn ràng cả tháng Giêng ở Melbourne

Hồ Nguyên Thảo
21/01/2020 - 08:44
Tết Việt Nam rộn ràng cả tháng Giêng ở Melbourne
Không khí Tết ở Melbourne (Australia) thường đến rất sớm, ít nhất cũng 2 hoặc 3 tháng trước đó.

Có người dồn phép cả năm để chơi Tết cả tháng ở Việt Nam. Song, trước đó là cuộc đua săn vé máy bay giá rẻ của hãng Jetstar Australia. Mua vé của hãng này thì phải quá cảnh vài tiếng ở Singapore, có khi cả chục tiếng nhưng bù lại tiết kiệm được ít nhất 500 AUD hoặc hơn so với các hãng như Vietnam Airlines hay Qantas. Số tiền đó được dùng để mua thêm quà cho người nhà hay lì xì Tết ở Việt Nam

Người không về Việt Nam được thì buồn một chút nhưng cũng có cơ hội vui và chơi Tết cả tháng Giêng, bởi hội chợ Tết của cộng đồng người Việt ở bang Victoria thuộc loại đình đám nhất xứ kangaroo. Mỗi năm, người Việt tổ chức đến 5 cái chợ Tết truyền thống ở Melbourne. Hội thương gia của từng vùng vừa là nhà tổ chức kiêm luôn mạnh thường quân của Hội chợ Tết. Cứ mỗi Chủ nhật là 1 chợ Tết vùng, vào cửa miễn phí. Hội chợ Tết cuối cùng dành cho cộng đồng người Việt của cả tiểu bang luôn kéo dài 2 ngày, có bán vé.

Nghề kinh doanh hội chợ

Vui nhất của người ở lại là đi bán hội chợ Tết, qua nhiều năm nó thành cái nghề đặc biệt - bán những món ăn vặt, không phải đồ ăn dịp Tết của người Việt trong dịp hội chợ. Có người lấn sân sang các khu chợ trời cuối tuần trên toàn thành phố, bán quanh năm.

Ăn Tết cả tháng Giêng ở Melbourne - Ảnh 1.

Màn múa lân trên đường phố Footscra y ở Melbourn e dịp Tết Nguyên đán

Người bán đồ ăn phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm - food permit - của chính quyền địa phương. Chị bán chuối chiên hay anh bán chả giò nhất định phải đi học một khóa an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận rồi mới được phép bán hàng. Rồi phải đầu tư xe tải, dụng cụ nhà bếp. Chẳng lẽ đầu tư hơi lớn mà bán có vài ngày cuối tuần dịp Tết nên họ đem xe tải, quầy hàng cùng bài bản của chợ Tết Việt ra các khu chợ trời cuối tuần trên toàn thành phố.

Chị Huệ ở Springvale có xe tải, kéo luôn cả chồng và mẹ chồng người Úc của mình vào cuộc. Xe của chị có chuối nếp nướng, bắp nướng, chả giò, bò lá lốt… Có thuế môn bài và có food permit, chị rủ thêm chị Vân, chị Thúy cùng bán với mình, làm thành cái business nho nhỏ. 3 chị tẩn mẩn lo từng hạt nếp, trái chuối, bột gạo và nhắc nhau ôn bài an toàn thực phẩm bởi lơ mơ thì chính quyền địa phương (city council) rút phép. Rồi họ phân nhau ai sẽ trực chiến ở hội chợ đầu tiên - bao giờ cũng là Hội chợ Tết St Albans ở vùng phía Tây Melbourne. Rồi đến các hội chợ ở Footscray, Richmond Hội chợ cuối cùng ở Sandown Park buộc tất cả phải có mặt bởi đây là dịp hội họp dành cho toàn cộng đồng người Việt ở bang Victoria nên kéo dài trong 2 ngày. Dĩ nhiên, bán trong 2 ngày thì cơ hội kiếm tiền nhiều hơn nên 3 chị tính toán kỹ.

Thời tiết ảnh hưởng đến cơ hội kiếm tiền. Có năm trời nắng đến 38-40 độ C, 3 chị cắt bớt món ăn, tăng cường nước giải khát. Có năm, sau 5 giờ chiều trời mới bớt gắt nắng, mọi người mới đổ ra hội chợ. Chỉ trong chưa đầy 5 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, họ phải làm cật lực để bán…

Ly nước mía ngày thường chỉ 2-3 AUD (tỉ giá 1 AUD tương đương gần 16.000 đồng). Dịp hội chợ, lúc nắng nóng, ly nước giải khát bình thường ấy lên đến 8-10 AUD. Nhưng để bán được giá đó, họ phải chuẩn bị nhiều ngày và chịu con mắt săm soi của các viên chức an toàn thực phẩm. Chỉ một cái lắc đầu, coi như có nguy cơ mất food permit mà đi học lại và phải bỏ đống nguyên liệu kia. Hội chợ Tết của người Việt thì có chọi lon, kêu lô tô. Đem giới thiệu món này với các khu chợ trời, "các nhà kinh doanh hội chợ" cũng kéo thêm về gánh xiếc tạp kỹ của người Úc, khu đu quay của người Hà Lan và các môn vận động khác…

Chợ Tết và Giao thừa

Chủ nhật cuối cùng trước Tết Nguyên đán luôn bận rộn bởi ai cũng tranh thủ ngày nghỉ để sắm đủ mọi thứ cho cái Tết Việt. Có chợ mở đến chiều 30 Tết và rồi sang mùng 1, chợ vắng tanh vì một số chủ gian hàng đóng cửa nghỉ Tết ít nhất là 2 tuần, có người về Việt Nam chơi thì cả tháng.

Ăn Tết cả tháng Giêng ở Melbourne - Ảnh 2.

Gian hàng bánh khọt, bột chiên tại Hội chợ Tết Richmond

Các khu chợ của người Việt có đủ mọi thức. Lá dong để gói bánh chưng, lá chuối để gói bánh tét được nhập từ Việt Nam. Lạp xưởng hay đồ hộp Vissan, mì gói hay hủ tiếu gói và nước mắm cũng đầy các kệ hàng trong chợ hay các tiệm thực phẩm Á châu. 2 năm nay, Tết còn có thêm thanh long hay nhãn từ Việt Nam. Bữa cơm cúng Giao thừa là "bữa tiệc hợp chủng quốc". Cơm nấu bằng gạo Thái hay Campuchia, thịt heo Úc kho với trứng gà Úc cùng với bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa muối rặt Việt Nam. 

Cây nhang vừa tàn, ngọn nến vừa thổi là dọn mâm, gọi về Việt Nam chúc Tết sớm vì giờ Úc nhanh hơn giờ Việt Nam 4 tiếng. Có người đi ngủ liền để sáng mùng 1 vẫn đi "cày". Có người thức khuya, lái xe đến các chùa Việt để thắp hương, hái lộc. 

Trong cái nóng của mùa hè nước Úc, tiếng pháo giòn giã và mùi pháo thoang thoảng trong không khí gợi nhớ hương Tết của ngày xưa cũ mà chỉ người tuổi 40-50 còn nhớ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm