Ông Nguyễn Hồng Nhật - Phó Bí thư thường trực huyện ủy Thạch Thất - cho biết, đến năm 2018 đã có 21/21 xã trong huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,2% (mục tiêu 86,5%); có 78% thôn, làng văn hóa (mục tiêu 76%); 90% cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ danh hiệu văn hóa (mục tiêu 90%).
Có 85% số trường học thuộc huyện đạt chuẩn quốc gia (mục tiêu 80%). Duy trì 100% số xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, nổi bật là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt của chủ trương của Đảng… Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ, hiện nay toàn huyện có 104 câu lạc bộ gia đình văn minh hạnh phúc, 4 câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình và 23 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” với 7.195 thành viên. Tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, “gia đình 5 không, 3 sạch”.
Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSKH và Ngân hàng Nhà nước giải ngân cho 5.566 hộ vay với tổng dư nợ nguồn vốn do Hội quản lý trên 209 tỷ đồng cho hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Phối hợp với cơ sở đào tạo nghề cho 6.407 học viên, giới thiệu việc làm cho 3.933 hội viên làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện.
Hiện nay, các hộ dân đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức được 10 mô hình phân loại rác thải từ trong gia đình, đào 1.929 hố chôn lấp rác hữu cơ tại nhà, duy trì 440 đoạn đường phụ nữ tự quản, 26 mô hình hạn chế sử dụng túi nylon dùng làn nhựa đi chợ, cấp phát miễn phí 2.245 chiếc làn nhựa và 650 túi thân thiện với môi trường cho hội viên; duy trì và nâng cao chất lượng 40 đoạn đường nở hoa, 30 điểm nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường. Lắp đặt 433 thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại 19 đơn vị trên địa bàn huyện. Duy trì nề nếp vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết.
Bà Kiều Thị Xuyến - Chủ tịch Hội LHPN xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội - cho biết, giá trị của sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn đó là bộ mặt nông thôn “thay da đổi thịt”. Cụ thể, tại địa bàn xã Cần Kiệm, việc thay đổi nổi bật nhất là giao thông xã đã được bê tông hóa cơ bản, các công trình văn hóa công cộng được xây dựng và hoạt động thường xuyên, các cuộc vận động sạch đường làng, sạch đồng ruộng, trồng các đoạn đường nở hoa (dài nhất là hơn 200 mét) được các hộ dân ủng hộ.
Hiện nay, trên địa bàn đang nhân rộng các giống hoa để phân phát đến các Chi hội, để “con đường nở hoa” sẽ phổ biến hơn, ra mắt các chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm, các mô hình dùng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi nylon…