Thách thức chờ đón Nữ thủ tướng Anh

14/07/2016 - 17:43
Tân Thủ tướng Anh Theresa May đang tích cực xây dựng nội các mới nhằm giải cứu nước Anh từ cuộc khủng hoảng hậu Brexit.
Thành lập nội các mới

Cuộc chuyển giao quyền lực của nước Anh từ ông David Cameron sang bà Theresa May được cả thế giới theo dõi sát sao bởi vị nữ Thủ tướng không chỉ là người sẽ lãnh đạo một cường quốc về kinh tế, quân sự, mà bà sẽ là người chèo lái nước Anh vượt qua những bất ổn thời kỳ hậu Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU). Mối quan hệ Anh, EU sẽ như thế nào trong tương lai? Anh sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn hiện nay? Rất nhiều câu hỏi và cả thách thức đang đặt ra đối với bà Theresa May.

Lường trước mọi khó khăn phía trước, tân Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu: "Chúng ta đang sống những thời khắc quan trọng trong lịch sử đất nước. Trước mắt là một giai đoạn với rất nhiều thay đổi và chúng ta sẽ vượt lên được các thách thức đó. Xây dựng một vị thế mới tích cực cho nước Anh là nhiệm vụ cho chính phủ này". Tân Thủ tướng Anh còn cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho công bằng xã hội và chính phủ mới của bà sẽ hoạt động vì lợi ích của mọi tầng lớp dân chúng chứ không chỉ phục vụ cho một số ít người có đặc quyền. Bà cũng khẳng định sẽ nghĩ đến lợi ích của những người dân bình thường trước tiên khi phải ra những quyết định lớn và sẽ cố gắng mang lại cho người dân quyền tự chủ nhiều hơn.
thach-thuc-cho-don-nu-thu-tuong-anh-1.jpg
Bà Theresa May được nhiều người kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi lớn cho Anh
Nhiệm vụ đầu tiên của bà Theresa May là thành lập nội các mới, tạo ra sự thống nhất trong Đảng Bảo thủ cầm quyền sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Đáng chú ý, những chức vụ chủ chốt như Ngoại trưởng và “Bộ trưởng Brexit” được bà May giao cho những nhân vật từng ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Động thái gây ngạc nhiên nhất của bà May là việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson vào chức vụ Ngoại trưởng. Chính trị gia 52 tuổi này chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Anh và từng là người ủng hộ chiến dịch vận động Brexit.

Bà Theresa May chỉ định ông David Davis (67 tuổi) làm Bộ trưởng phụ trách đàm phán rời khỏi EU, được báo chí Anh gọi là “Bộ trưởng Brexit”. Ông Davis là một người ủng hộ Anh rời khỏi EU. Ông từng thất bại trước cựu Thủ tướng David Cameron trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi năm 2005.
thach-thuc-cho-don-nu-thu-tuong-anh-3.jpg
Một số gương mặt trong nội các của bà Theresa May
Cựu Bộ trưởng Giao thông, cựu Ngoại trưởng Philip Hammond (60 tuổi) được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính. Nhiệm vụ sắp tới của ông Hammond là điều hành nền kinh tế Anh đang đối mặt nguy cơ suy thoái và thiết lập các mục tiêu ngân sách mới. Ghế Bộ trưởng Nội vụ được giao cho bà Amber Rudd. Vị cựu Bộ trưởng Năng lượng 52 tuổi này từng ủng hộ chiến dịch bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 và giờ đây sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chính sách của Anh đối với người nhập cư thời kỳ hậu Brexit. Bà nổi tiếng là người làm việc hiệu quả, đáng tin cậy.
 
Đàm phán ra khỏi EU

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã gia tăng áp lực lên tân Thủ tướng Anh Theresa May, kêu gọi London sớm bắt đầu quá trình rời khỏi EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi bà May không trì hoãn bắt đầu đàm phán về Brexit. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nêu vấn đề là Anh đã xử lý xong ban bệ lãnh đạo thì cần tiến hành vụ Brexit ngay. Tổng thống Pháp Francois Hollande gây áp lực với bà May, kêu gọi không trì hoãn đàm phán "ly hôn", quá trình chỉ có thể bắt đầu khi Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, để rời EU. Ông mong muốn quá trình trên diễn ra nhanh nhất có thể.
thach-thuc-cho-don-nu-thu-tuong-anh-2.jpg
Tân Thủ tướng Theresa May diện kiến nữ hoàng Anh Elizabeth II
Cùng với nhiều quan chức khác trong Chính phủ, bà sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán căng thẳng về các điều khoản để nước Anh rời EU với mục tiêu có lợi nhất cho nước Anh về thương mại, hàng hóa và dịch vụ. Một trong những thách thức lớn trong các cuộc đàm phán sẽ là vấn đề tự do đi lại trong EU vốn khó có thể nhận được sự nhượng bộ từ EU. Với trọng trách mới, bà May sẽ đương đầu với nhiều thách thức trước mắt, đặc biệt là quan hệ Anh - EU và các vấn đề phát sinh từ Brexit. Phát biểu trước Quốc hội, nữ Thủ tướng khẳng định sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý.

Ngoài ra, vấn đề Brexit đang tác động mạnh đến nền kinh tế Anh khi đồng bảng Anh đã trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm. Kinh tế Anh thời hậu Brexit đang bước vào một thời kỳ đầy bất ổn. Do vậy, Chính phủ mới của Anh cần phải nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, sức ép khác đối với tân Thủ tướng Anh là làm sao để giảm số người nhập cư vào nước này. Cuối tháng 5, cơ quan thống kê quốc gia Anh thông báo số người nhập cư vào Anh là 330.000 người, trong đó 184.000 người đến từ các nước EU.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm