pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thách thức trong bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số
Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Ảnh: QĐND
Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay" đã diễn ra vào ngày 19/11/2022 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất.
Trang phục là một trong những giá trị tiêu biểu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hải Nhung – Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho rằng: Trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tùy theo điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và xã hội, mỗi dân tộc đã lựa chọn, hình thành các nguyên liệu, chất liệu, quy trình, thức dệt, nhuộm, may, thêu, trang trí, cấu trúc hình dáng và màu sắc của các bộ trang phục truyền thống theo những giá trị riêng, bản sắc riêng của mình. Thông qua các bộ trang phục truyền thống, các dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện được "gu" thẩm mỹ mà còn phản ánh được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình.
Nhiều dân tộc đã quy định khá rõ về mặc trang phục phù hợp với vị trí xã hội, với lứa tuổi, với giới tính, với hoàn cảnh cụ thể khi giao tiếp, ứng xử; trong đó có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, trang phục mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau, các nhóm khác nhau cũng có sự khác nhau. Chính vì sự phong phú, đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm nên trang phục là một trong những giá trị tiêu biểu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nhiều người còn e ngại khi mặc trang phục dân tộc mình
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới; sự tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ.
Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân rất ít người, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao…
Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ cũng ngày càng ít dần. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, làm thế nào để các dân tộc thiểu số, thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa… là vấn đề đã và đang đặt ra với nhiều thách thức.
Tại Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay", các đại biểu cùng chung nhận định rằng: Thực trạng là nhận thức, tâm lý của chính đồng bào. Nhiều người, thậm chí có không ít cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục truyền thống dân tộc mình, có người còn e ngại khi mặc.
Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cho rằng, nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. "Có nơi, trang phục truyền thống đã biến mất ở nhiều cộng đồng, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông, đặc biệt là thế hệ thanh niên học tập ở các đô thị. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không chịu sử dụng trang phục truyền thống nữa", ông Đinh Xuân Thắng nói.
Từ đó, dẫn tới việc nghề làm trang phục truyền thống ngày một mai một, thậm chí biến mất trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự xâm lấn của nền kinh tế thị trường, hàng hóa "trang phục truyền thống" đều do thị trường điều tiết, việc sản xuất công nghiệp trang phục truyền thống và hàng nhập ngoại đã thay thế việc sản xuất thủ công. Những yếu tố này khiến trang phục truyền thống biến tấu, mất kiểm soát về họa tiết, hoa văn, đường kim, mũi chỉ và những nét tinh tế… của trang phục gốc. Một số nơi tuy còn giữ vài khung dệt nhưng hoạt động cầm chừng hoặc chỉ trưng bày làm kỷ niệm.
Bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc là vấn đề cấp bách
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo khẳng định: Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay. Để việc giữ gìn, phát huy bản sắc trong trang phục truyền thống của các dân tộc trở thành ý thức văn hóa chung cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, trong đó chú ý tới việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, vai trò, tác động của giáo dục phổ thông, các phương tiện thông tin đại chúng, nhà thiết kế - may mặc, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của đồng bào các dân tộc.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, mỗi người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, khai mạc các tổ chức đoàn thể, ngày hội. Cần khuyến khích vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản nhưng quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch, từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nêu rõ, cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện như bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số, xây dựng bảo tàng sinh thái, xây dựng không gian sinh thái văn hóa tộc người...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm: Khi môi trường và không gian văn hóa thay đổi, trang phục và nhiều thành tố văn hóa của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, nhà ở, phong tục... không còn không gian thích hợp để tồn tại, phát huy. Muốn bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống, cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Đó là những lễ hội truyền thống của từng cộng đồng, ngày hội văn hóa riêng của từng dân tộc hoặc các dân tộc để thường xuyên giao lưu giữa các cộng đồng với nhau. Đây cũng chính là cơ hội để đồng bào các dân tộc chung vui, tự hào khoe sắc trong các bộ trang phục truyền thống...