pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên: Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Livestream bán hàng trực tiếp na La Hiên và nông sản Thái Nguyên trên mạng xã hội. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Sản xuất, bán hàng đều phải cần đến công nghệ
"Cô thiếu nữ Sán Dìu, bán nem thính Sán Dìu, ai cần nem thính thì gọi em...", đó là những lời quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội của chị Tống Thị Bảy, chủ thương hiệu "nem thính Sán Dìu Bảy Đông".
Nem thính Sán Dìu là loại nem truyền thống của bà con dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nem thính Sán Dìu được chế biến bằng bí quyết riêng, có hương vị đặc trưng riêng. Nguyên liệu chính để chế biến món nem thính dân tộc Sán Dìu là thịt lợn nạc được lấy từ những con lợn to khỏe nuôi từ 1 năm trở lên, khi chế biến tuyệt đối phần thịt nạc này không được dính nước.
Chị Bảy cho biết: "Với những bí quyết truyền lại, người Sán Dìu làm được món nem thính đặc biệt thơm ngon. Nhưng làm sao để đưa được sản phẩm nem thính này ra thị trường, bán được rộng rãi, giới thiệu được đặc sản, quảng bá văn hóa dân tộc mình lại là điều không hề đơn giản. Đây là câu hỏi lớn nhất với tôi lúc bắt đầu khởi nghiệp, quyết tâm là có nhưng tôi chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào".
May sao, giữa lúc không biết bắt đầu từ đâu này, chị Bảy được sự hỗ trợ của Hội LHPN Đồng Hỷ. Chị Bảy chia sẻ: "Thật lòng, tôi rất biết ơn các chị cán bộ Hội phụ nữ. Lúc mình làm, các chị bảo rằng em cứ mạnh dạn làm đi, các chị sẽ hỗ trợ. Nhìn lại, từ ngày bắt đầu quá trình biến nem thính từ một món ăn chỉ được biết đến trong cộng đồng của mình trở thành sản phẩm để bán rộng rãi ra thị trường vào năm 2022 cho đến nay, các chị cán bộ phụ nữ đã đưa đường chỉ lối cho tôi, đã trợ giúp tôi rất nhiều. Tôi đã biết ứng dụng tốt hơn công nghệ vào các khâu, bắt đầu từ sản xuất sản phẩm, quảng bá sản phẩm cho đến bán hàng thành công".
Chị Bảy cho biết nhờ ứng dụng công nghệ, sản phẩm nem thính từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất, đóng gói vận chuyển đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu. Chị Bảy thường xuyên tham gia các hội chợ, các sự kiện kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa truyền thống do Hội LHPN Thái Nguyên xúc tiến tổ chức. Chị còn có cơ hội tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, livestream, dùng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
HTX chăn nuôi, sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) sản xuất các loại miến, mì, bún tươi, bánh gio từ nguyên liệu là giống gạo Bao Thai Định Hóa đặc sản. Chị Ma Thị Hằng - Giám đốc HTX - cho biết với việc đầu tư vào công nghệ, dây chuyền chế biến mì gạo dễ vận hành, ổn định, cho năng suất chế biến cao hơn nhiều lần so với chế biến thủ công trước đây. Nhờ đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý tốt hơn trước khi xả ra ngoài nên hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Quy trình sản xuất của HTX được đánh giá là thân thiện với môi trường. Các thủ tục đăng ký mã vạch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quy trình phân phối sản phẩm, các kế hoạch quảng bá sản phẩm hiện đều có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ.
Hiện tại, với cộng đồng phụ nữ ở Thái Nguyên, phát triển sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh hiện không thể thiếu công nghệ. Công nghệ giúp kết nối thị trường, giúp đưa sản phẩm của người phụ nữ từ bếp nhà, từ vườn nhà vươn ra trở thành sản phẩm có thể tiếp cận hàng trăm nghìn người, có thể bán rộng rãi tới bất cứ nơi đâu.
Công nghệ thúc đẩy cuộc sống và kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số
Trong các nội dung của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường đã được các cấp Hội LHPN tại Thái Nguyên rất chú trọng và nỗ lực thực hiện.
Qua quá trình thực hiện, 8 tổ nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường đã được thành lập (đạt 80% so với chỉ tiêu giai được giao, đạt 16% so với chỉ tiêu đăng ký của tỉnh là 50 mô hình). Mới nhất, mô hình sản xuất gạo J02 tại xã Quy Kỳ (huyện Định Hóa) được thành lập, nâng tổng số mô hình trên địa bàn toàn tỉnh lên 9 mô hình. JO2 là giống lúa thuần của Nhật Bản được bổ sung vào cơ cấu giống lúa Quốc gia. Giống lúa này được gieo trồng tại Định Hóa, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm gạo J02 được ưa chuộng và bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Vùng nông sản thương hiệu gạo J02 bắt đầu được triển khai xây dựng tại Định Hóa.
Trong thời gian qua, UBND huyện Đồng Hỷ và Định Hóa đều đánh giá cao những nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ tại địa phương trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Các dự án được triển khai đã góp phần thúc đẩy cuộc sống và kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang tạo ra hiệu quả tại Thái Nguyên. Bà Hứa Thị Châu Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN Thái Nguyên - cho biết: "Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là nội dung mà chúng tôi rất chú trọng trong thực hiện Dự án 8 trên địa bàn Thái Nguyên. Chính từ việc làm kinh tế tốt hơn, có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống sẽ tạo thêm những động lực thúc đẩy, có cơ sở tốt hơn cho thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em".
Ứng dụng công nghệ, cùng làm, cùng vui, cùng hỗ trợ nhau phát triển, thu về hiệu quả kinh tế cao là điều có thể thấy rõ được, cảm nhận được ở nơi xứ trà Thái Nguyên.