Thái Nguyên: Nuôi lợn nhựa từ rác giúp chị em khó khăn phát triển kinh tế

26/11/2019 - 16:06
Thu gom rác tái chế, bán lấy tiền nuôi lợn nhựa, thu gần trăm triệu đồng để làm vốn vay cho chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế là mô hình hay, đang được nhân rộng ở các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.
Được phân công là 1 trong 4 đơn vị điển hình triển khai Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020, Hội LHPN phường Đồng Quang (TP Thái Nguyên) đã thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”.
 
Chị Thái Thị Thanh Hải – Chủ tịch Hội LHPN phường Đồng Quang chia sẻ, điểm thuận lợi là phường nằm trong địa bàn có nhiều khách sạn, nhà hàng, thu hút lượng khách đông vì vậy lượng rác thải tái chế như vỏ lon bia, chai, lọ thải ra tương đối nhiều. Nhưng, trước đây, rác thải sinh hoạt thường các gia đình thu gom vào một túi, thậm chí một số gia đình còn đổ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, gây mất vệ sinh công cộng. Thói quen trên đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Thay đổi suy nghĩ, ý thức cũng như hành động của người dân trong việc phân loại rác là việc làm hết sức nan giải.
 
Đa dạng các hoạt động tuyên truyền
 
Để thực hiện có hiệu quả mô hình, Chi hội xác định bản thân các chị em trong Ban Chấp hành phải gương mẫu đi đầu chấp hành và tích cực vận động các thành viên trong gia đình, người thân thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định. Chi hội đã phát động toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tổ dân phố cùng chung tay hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế trên địa bàn. Xuất phát từ điều kiện thực tế không có địa điểm thu gom tập trung nên chi hội đã chọn hình thức mua và phát cho mỗi hội viên 01 con lợn nhựa. Toàn bộ rác tái chế thu gom được bán  lấy tiền “Nuôi lợn nhựa”.
 
Đồng thời, chi hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong tổ dân phố với nhiều hình thức phong phú, phù hợp như: Thông qua hệ thống truyền thanh của tổ và trong các buổi họp tổ dân phố, họp chi hội; Làm các biển Pano, áp phích hướng dẫn cách phân loại rác treo tại nhà văn hóa và tại các vị trí thuận lợi nhất để hội viên dễ dàng quan sát và làm theo.
 
Chi hội đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm do các chị trong Ban Chấp hành làm nhóm trưởng có trách nhiệm hướng dẫn hội viên, phụ nữ trong việc phân loại rác thải như: rác sau khi được thải ra phải được phân và chia thành 3 loại (rác tái chế, rác đốt được, rác không đốt được), từng loại để trong túi màu gì, bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, không để rác tồn đọng bừa bãi trong khu dân cư. Những nội dung trên được các nhóm trưởng hướng dẫn cụ thể và kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên. Toàn bộ rác tái chế được chị em để lại bán và “nuôi lợn nhựa”.
 
Thu gom rác tái chế, bán lấy tiền nuôi lợn nhựa giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế là mô hình hay của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.

 

Nhân rộng mô hình
 
Qua hơn một năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chị em hội viên nói riêng cũng như các tầng lớp nhân dân nói chung. Năm 2018, trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chi hội đã tổ chức tổng kết công tác Hội, đồng thời mở hội thi “Mổ lợn”, tổng số tiền tiết kiệm thu được từ nguồn rác thải tái chế là 70 triệu đồng. Nguồn quỹ này được chi hội tổ chức cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế; thăm và tặng quà cho chị em hội viên phụ nữ nghèo trong dịp lễ, tết và ngày quốc tế phụ nữ 8/3; khen thưởng cho các hội viên “Nuôi lợn nhựa giỏi” và những hội viên có lòng hảo tâm ủng hộ quỹ hội.
 
Từ hiệu quả của mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản thực hiện tiết kiệm từ việc phân loại, thu gom rác thải tái chế” chỉ triển khai ở tổ 11 thuộc phường Đồng Quang, chị Thanh Hải cho biết, năm 2019, Hội LHPN phường đã triển khai thực hiện ở tất cả các chi hội, vừa góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng, xanh, sạch đẹp, hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi trong các khu dân cư, đồng thời giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, góp phần thực hiện thành công Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
 
Mô hình này đặc biệt có ý nghĩa nhân văn là thông qua nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu thu gom, các chi hội đã hỗ trợ tiền và tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh nghèo, khó khăn trong chi hội, qua đó động viên các hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm