pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên triển khai dự án không gian làm việc số phục vụ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá hiệu quả công tác rà soát, thống kê nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Ban Chỉ đạo) và UBND tỉnh, các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp sáng tạo, trong đó việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là điểm nhấn nổi bật.
Bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, như: Văn bản số 3184/STTTT-CNTT ngày 09/11/2024 về việc cập nhật thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình; Văn bản số 3247/STTTT-CNTT ngày 13/11/2024 về sử dụng không gian làm việc số GapoWork để theo dõi, cập nhật tiến độ; đồng thời phối hợp với chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai sử dụng không gian làm việc số tới các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Là đơn vị được giao quản trị, hỗ trợ các đơn vị triển khai nền tảng, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh đã tích cực tham mưu, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ GAPO để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho 191 hộ đủ điều để triển khai thực hiện hoàn thành trước 31/3/2025 và 400 hộ có nhu cầu, chưa đủ điều kiện để triển khai nhưng có giải pháp để thực hiện, hoàn thành trước 30/6/2025; dữ liệu cập nhật vào hệ thống đảm bảo chính xác, đồng bộ.
Tính đến ngày 29/11/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã thiết lập 10 nhóm quản trị trên hệ thống GapoWork, với 366/366 thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đăng nhập và sử dụng, đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống cho phép: Tạo không gian làm việc trực tuyến hiệu quả với khả năng tương tác đa chiều giữa các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, giúp việc phối hợp và trao đổi thông tin được thuận tiện, nhanh chóng; cập nhật thông tin kịp thời, chính xác từ cấp cơ sở; báo cáo tiến độ theo thời gian thực, phục vụ công tác giám sát và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; quản lý dữ liệu tập trung, giảm thiểu sai sót trong quá trình thống kê; tích hợp tính năng lưu trữ và chia sẻ tài liệu một cách có hệ thống, cho phép dễ dàng truy cập và cập nhật các văn bản, hình ảnh liên quan đến tiến độ thực hiện; tích hợp các tính năng thông báo tự động, giúp các thành viên không bỏ sót thông tin quan trọng và các nhiệm vụ được giao; trang bị hệ thống bảo mật đa lớp, theo dõi tình trạng truy cập, đảm bảo an toàn thông tin.
Với giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau, từ máy tính đến điện thoại di động, hệ thống này tạo ra một bước tiến lớn trong công tác quản lý, giúp cho quá trình làm việc và xử lý tài liệu linh hoạt và hiệu quả hơn các phương pháp quản lý truyền thống.
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát danh sách các thành viên tham gia nền tảng công nghệ số, cập nhật thông tin quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và bổ sung dữ liệu vào hệ thống. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, đăng tải thông tin về các hoạt động của Chương trình để khích lệ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội.Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp của lãnh đạo cấp huyện, đặc biệt là người đứng đầu, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của các địa phương trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, Sở Thông tin và Truyền thông đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cấn triển khai, thực hiện trong thời gian tới như sau:
Chuyển giao và hỗ trợ quản lý hệ thống: Phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ GAPO chuyển giao cơ sở dữ liệu và quyền quản trị cho các địa phương, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, đồng bộ và hiệu quả.
Đào tạo và tập huấn: Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã về sử dụng không gian làm việc số GapoWork, quy trình cập nhật và báo cáo thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và theo dõi tiến độ.
Tăng cường phối hợp liên ngành: Tiếp tục phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để cập nhật thông tin thường xuyên, báo cáo tiến độ định kỳ vào thứ Sáu hằng tuần, giúp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện kịp thời nắm bắt thông tin và đẩy nhanh tiến độ.
Mở rộng ứng dụng nền tảng công nghệ số: Tham mưu UBND tỉnh triển khai không gian làm việc số GapoWork vào các lĩnh vực khác như: Quản lý dự án, truyền thông nội bộ, quản lý nhân sự,.. nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nền tảng công nghệ số trong các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ số vào Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là minh chứng cho sự đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng lòng của cộng đồng, Chương trình không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống và góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện.