Thai phụ nhiễm Zika ở TPHCM sinh con khỏe mạnh và đã xuất viện

21/11/2016 - 13:46
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, thai phụ nhiễm virus Zika sinh con tại BV Phụ sản Hùng Vương đã được xuất viện. Bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dị tật đầu nhỏ, không nhiễm virus Zika từ mẹ.
Sáng 21/11, BS Dũng cho biết, thai phụ ngụ tại quận 12, đã sinh em bé tại BV Phụ sản Hùng Vương và đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé đều hoàn toàn bình thường.
"Ngay sau khi sinh, em bé đã được bác sĩ BV đo vòng đầu, kiểm tra sự phát triển của xương sọ và lấy mẫu máu đi xét nghiệm. Kết quả, bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dị tật đầu nhỏ, không nhiễm virus Zika từ mẹ", BS Dũng chia sẻ.
BS Dũng cho biết thêm, do thai phụ này nhiễm virus Zika khi mang thai ở tuần thứ 30 nên khả năng lây nhiễm cho em bé là không cao. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, nhất là trong vòng 3 tháng đầu, không được chủ quan mà vẫn phải tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã khuyến cáo. 
"Hiện trong tổng số 62 trường hợp nhiễm virus Zika tại 16 quận, huyện của thành phố, có 7 trường hợp đang mang thai. Tuy nhiên, sức khỏe của các thai phụ đều ổn định, được theo dõi và tư vấn đúng quy trình", BS Dũng cho biết.
123824128_wide.jpg
Phụ nữ mang thai, nhất là trong vòng 3 tháng đầu, không được chủ quan với Zika 
Trước tình hình dịch bệnh virus Zika đang ngày càng lan rộng tại TPHCM, không ít thai phụ bất an. Chị Nguyễn Thị Hòa (30 tuổi), ngụ tại huyện Bình Chánh, cho biết, chị đang mang thai con gái đầu lòng, theo kế hoạch thì chị sẽ sinh vào giữa tháng 12. Nhưng kể từ khi TPHCM xuất hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên cho đến nay, vợ chồng chị không tránh khỏi hoang mang.
"Tôi vẫn theo dõi thai, khám thai đều đặn. Theo tôi tìm hiểu, virus Zika chỉ nguy hiểm khi mang thai ở 3 tháng đầu tiên, tuy nhiên mỗi khi đọc báo thấy số ca nhiễm bệnh tăng, tôi vẫn rất sợ. Chỉ mong ngày lâm bồn đến nhanh, hai mẹ con bình an bước qua khỏi dịch bệnh", chị Hoà tâm sự.
Mặc dù virus Zika có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ khi mẹ nhiễm virus này trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản, trường ĐH Y Dược TPHCM, không phải thai phụ nào nhiễm virus cũng sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ. Bởi theo nghiên cứu, chỉ dưới 10% mẹ bị nhiễm loại virus này, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có nguy cơ sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ.
"Virus này chỉ gây nguy hiểm với thai phụ trong 3 tháng đầu. Đối với 3 tháng cuối, hiện chưa có khuyến cáo cụ thể. Tuy nhiên về lý thuyết, khi thai đã lớn, mức độ ảnh hưởng đối với thai là không nhiều”, BS Trung cho biết.
Còn theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu, mẹ truyền sang con... Do vậy, biện pháp phòng chống căn cơ hiện nay là diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng chống muỗi và quan hệ tình dục an toàn. 
“Đối với phụ nữ mang thai, nếu sống trong vùng dịch hoặc có chồng/bạn tình ở và đến từ vùng dịch, nên kiêng quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục an toàn trong suốt thời gian mang thai. Đối với vợ chồng dự định có thai, cần hạn chế đi đến vùng dịch. Nếu đến vùng dịch thì cần có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt và nên thụ thai sau thời gian 8 tuần đối với nữ và 6 tháng đối với nam kể từ khi ra khỏi vùng dịch. Trong suốt thời gian chờ mang thai, nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn. Vợ chồng nên đến bác sĩ chuyên khoa Sản để được tư vấn và xét nghiệm (nếu cần) trước khi dự định có thai”, PGS Phan Trọng Lân khuyến cáo.

Tính đến sáng ngày 21/11, TPHCM đã có 62 trường hợp nhiễm virus Zika tại 16/24 quận huyện, trong đó có 7 trường hợp đang mang thai. 
Như vậy, số bệnh nhân Zika được ghi nhận cả nước đến nay là 70. Đắk Lắk và Bình Dương mỗi nơi đều có 2 bệnh nhân, còn Khánh Hòa, Phú Yên và Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi nơi 1 ca. Một trẻ 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk là em bé Việt Nam đầu tiên được ghi nhận mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm