Thái tử Thái Lan muốn chịu tang cha, gác lại chuyện thừa kế ngôi vị

15/10/2016 - 20:18
Năm 1972, Thái tử Maha Vajiralongkorn của Thái Lan khi đó mới 20 tuổi, đã được sắc phong ngôi vị Thế tử, xác định sẽ là người thừa hưởng ngai vàng từ cha mình. Tuy nhiên, hiện tại Thái tử chưa muốn nói đến chuyện kế thừa ngôi vị.
Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thế giới, đã băng hà hôm 13/10, hưởng thọ 88 tuổi.

Giờ đây, vắng vua được coi như một bất ngờ đối với Thái Lan vì dư luận vẫn luôn tin rằng việc truyền ngôi sẽ diễn ra suôn sẻ.

Theo Luật kế vị năm 1924 của Hoàng gia, Quốc vương là người có đặc quyền chỉ định người kế vị. Thực tế, năm 1972, Thái tử Maha Vajiralongkorn đã được sắc phong ngôi vị Thế tử. Tuy nhiên, Thái tử Vajiralongkorn muốn chịu tang cha để chia sẻ nỗi đau cùng người dân và gác lại chuyện kế thừa ngôi vị đến khi quốc hội mời ông tiếp quản ngai vàng.
Hình ảnh Quốc vương Bhumibol Adulyadej, Thái tử Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Sirikit vào năm 1999
Thái tử Maha Vajiralongkorn chưa lên ngôi vì chịu tang
Theo Hiến pháp năm 1991 của Thái Lan, trong trường hợp chưa có người kế vị, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật sẽ được chỉ định đảm nhiệm vai trò nhiếp chính. Trong trường hợp này, tướng Prem Tinsulanonda (96 tuổi) sẽ đảm nhiệm vai trò nhiếp chính cho tới khi Thái tử Vajiralongkorn sẵn sàng kế vị.

Tướng Prem sinh ra và lớn lên ở tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan. Ông tốt nghiệp Học viện quân sự Hoàng gia Thái Lan và bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1959 với vai trò thành viên Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Từ năm 1968 đến 1971, ông là thượng nghị sĩ và đến năm 1976 được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Thủ tướng Tanin Kraivixien. Dưới thời Thủ tướng Kriangsak Chomanan, ông giữ chức Thứ trưởng Nội vụ từ năm 1977-1978.
Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda tạm thời nhiếp chính
Khoảng thập niên 1980, Quốc vương Bhumibol bổ nhiệm tướng Prem trở thành thủ tướng, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Với sự bổ nhiệm này, ông Prem trở thành người đứng đầu uỷ ban chính trị quy tụ những nhóm theo phe bảo hoàng, quân đội, những người bảo thủ trung thành với hoàng gia, các quan chức cao tuổi và những doanh nghiệp lớn. Trong thời gian này, ông đã 2 lần chặn đứng âm mưu đảo chính vào năm 1981 và năm 1985.
Sau 8 năm giữ chức Thủ tướng, ông Prem được Quốc vương bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật và tiếp tục có ảnh hưởng lớn. Đây là cơ quan có vai trò cố vấn cho Quốc vương, có quyền lực lớn liên quan đến việc bổ nhiệm và kế vị trong Hoàng gia. Theo Hiến pháp Thái Lan, Hội đồng này gồm không quá 18 thành viên và đều do Quốc vương chỉ định hay miễn nhiệm. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng Cơ mật phải là thành viên độc lập không đảng phái.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất khi tướng Prem được cho là người đã cố vấn cho nhà vua trong giai đoạn 1991-1992. Khi Tướng Suchinda Kraprayoon không giữ lời hứa sau khi ngồi vào ghế thủ tướng, nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra và quân đội đã mạnh tay trấn áp. Sự kiện đó được gọi là “tháng 5 đen tối” ở Thái Lan, nhiều thường dân thiệt mạng vì quân đội, không phe nào chịu nhường nhau.
Lúc này, Quốc vương Bhumibol đã ra mặt và kêu gọi hoà giải, trong khi vẫn giữ khoảng cách với phe quân đội. Sau sự kiện này, nhà vua càng được dân chúng ca tụng đã góp phần duy trì sự ổn định mà vẫn giữ thế trung lập.
Tướng Prem Tinsulanonda quyền uy và ảnh hưởng lớn ở Thái Lan
Quyền lực của Tướng Prem và những người ủng hộ ông ngày càng tăng cho đến năm 2001. Khi đó, nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nhờ vào chiến sách tranh cử dân tuý nên thu phục được phần lớn cử tri nghèo. Căng thẳng giữa các cơ quan dân cử và cơ quan không qua bầu cử ngày càng gia tăng và trở thành xung đột công khai.

Thủ tướng Thaksin từng có lúc đe doạ tái cơ cấu lại tình hình chính trị trong nước, thách thức quyền lực của vương triều và quân đội. Kết cục, ông Thaksin bị lật đổ vào năm 2006 sau một cuộc đảo chính mà người chủ mưu được cho là Tướng Prem nhưng ông đã bác bỏ cáo buộc này. Patrick Jory, một chuyên gia về nền quân chủ Thái Lan tại Đại học Queensland (Australia) nhận định: “Tướng Prem là một nhân vật quan trọng kể từ những năm 1980 và được coi là cánh tay phải của Quốc vương”. Được biết, ông Prem nhìn chung nhận được sự ủng hộ của giới chức quân sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm