Thảm họa container: Hãy làm mạnh đừng nói chung chung là do rượu bia

03/01/2019 - 17:44
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông, nhà quản lý xung quanh hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến hung thần container, đặc biệt là vụ container đâm gục hàng loạt xe máy và người dân tại Bến Lức, Long An, cướp đi sinh mạng của 6 người dân vô tội.

Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2019, khi niềm vui đón một mùa xuân mới với biết bao niềm hy vọng, dự định mới của nhiều người vẫn còn đang dang dở, vậy mà chỉ trong vài tích tắc đồng hồ đã có hàng chục người bị thương vong do tai nạn giao thông thảm khốc gây ra.

Cảnh tượng kinh hoàng từ vụ tai nạn do xe container BKS: 62C-043.48 chạy từ Long An đi TP.HCM đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đâm hàng loạt xe máy đang chờ đèn đỏ làm 6 người chết, 14 người bị thương được đưa đi cấp cứu, 21 xe máy hư hỏng nặng sẽ còn ám ảnh những nạn nhân may mắn thoát chết trong gang tấc.

Cùng với đó, nỗi đau, sự mất mát để lại cho người thân các nạn nhân đã mãi mãi không thể trở về sẽ khó có thể phai mờ. Đâu đó, vẫn còn văng vẳng những câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân vì sao? Vẫn chưa tìm ra được lời giải.

Tài xế và ma tuý       

Để rộng đường dư luận về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc, trao đổi với PV PNVN, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cảnh báo: “Vụ tai nạn do xe container gây ra tại Long An là rất nghiêm trọng, là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các công ty quản lý sử dụng tài xế chưa được chặt chẽ”.

“Cơ quan chức năng vừa mới chỉ rõ, tài xế gây tai nạn ở Long An có nồng độ cồn và dương tính với ma tuý. Qua vụ tai nạn, cần phải xem xét lại tránh nhiệm không chỉ riêng tài xế mà công ty thuê tài xế cũng phải chịu trách nhiệm khi tuyển chọn tài xế nghiện ma tuý, không đảm bảo sức khoẻ thì sẽ gây hậu quả thôi”, TS. Lâm cho hay.

Phân tích rõ hơn về những nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn trong thời gian vừa qua, TS. Lâm cho rằng: “Người lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm khi tuyển tài xế. Hiện nay, tình trạng tài xế đường dài sử dụng mà tuý rất phổ biến, việc tài xế ngậm ma tuý là để giữ tỉnh táo khi lái xe. Tác hại của ma tuý thì ai cũng biết rõ hết rồi, ma tuý là loại chất kích thích khiến tài xế bị phê gây ra ảo giác, không làm chủ được hành vi của mình nên mới dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc như vậy”.

tai-nan.jpg
Cảnh tượng hỗn loạn trong vụ container đâm hàng loạt xe máy ở Bến Lức, Long An.

Từ vụ tai nạn do xe container làm nhiều người thương vong, Kỹ sư Lê Văn Tạch (cựu nhân viên Công ty Toyota Việt Nam) chỉ ra một số điểm cần được làm rõ về hệ thống phanh khí nén (hay phanh hơi) của xe container.

Kỹ sư Tạch cho rằng: “Xe container sử dụng hệ thống phanh khí nén, hay còn gọi là phanh hơi (thuật ngữ phanh locke) thì rất khó bị mất phanh được. Trong trường hợp này, có khả năng do thao tác nhầm lẫn của tài xế đã dẫn đến vụ tai nạn. Bởi xe container ngoài phanh chân ra vẫn còn có nút phanh khẩn cấp rất dễ thao tác vì nó chỉ là nút đóng mở van thôi, không có gì khó khăn cả”.

“Phanh xe container dễ thao tác hơn là phanh xe ô tô cỡ nhỏ vì sử dụng phanh dầu. Nói nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do xe mất phanh thì không thuyết phục, nếu cơ quan điều tra kết luận xe mất phanh thì phải chỉ ra được nó (phanh) hỏng cơ cấu gì dẫn đến mất phanh”, Kỹ sư Tạch khẳng định.

Phân tích về khả năng xe container bị mất phanh, Kỹ sư Tạch cho biết, với xe phanh dầu thì khả năng mất phanh có thể xảy ra khi xe bị mất áp dầu. Đối với xe dùng phanh khí thì khí bao giờ cũng tích trong bình tích, nếu không đủ khí thì xe không thể đi được. Khí ở đây có nhiệm vụ để xe nhả phanh ra, khi mình phanh là mình giảm áp để nó đóng lại.

Làm gì để hạn chế tai nạn giao thông?

Trong khi đó, trao đổi với PV PNVN, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khuyến cáo: “Để hạn chế được các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây hậu quả quá lớn về con người và tài sản thì cần phải tập trung tìm ra giải pháp chứ không thể nói chung chung nguyên nhân là do rượu bia hay ma tuý mãi được”.

Đưa ra các giải pháp để hạn chế tai nạn, ông Liên cho rằng: “Bộ GTVT, UBAT giao thông Quốc gia cần phải xây dựng đề án quản lý tài xế và doanh nghiệp vân tải. Trong đó, phải truy trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp vận tải có tài xế gây tai nạn khi sử dụng rượu bia, ma tuý”.

tai-nan-long-an.jpg
Sau hàng loạt vụ TNGT liên quan đến xe container, các chuyên gia cho rằng cần phải siết chặt quản lý, sát hạch và cấp bằng đối với loại xe đặc biệt này.

“Cần phải quản lý từ gốc, từ đào tạo tài xế, cấp giấy phép lái xe, tuyển chọn tài xế. Vừa qua, tôi thấy tổng cục Đường bộ giảm các tiêu chí đào tạo tài xế để đáp ứng như cầu thiếu tài xế là không chấp nhận được. Dù thiếu nhưng cũng cần phải đảm bảo tính mạng con người, tài sản, các quy định đào tạo tài xế đã được thế giới thừa nhận”, ông Liên thẳng thắn nói.

Cũng theo ông Liên, ngoài ra những vấn đề trên, cũng cần phải quản lý tài xế về khâu sức khoẻ, các đơn vị cơ sở có kiểm tra sức khoẻ tài xế theo định kỳ hay không? Hay là chỉ làm qua loa cho có thủ tục thôi. Các cơ sở quản lý khám chữa bệnh phải có trách nhiệm về việc khám sức khoẻ tài xế.

Đề cập tới hạ tầng giao thông, cụ thể là đèn đỏ được lắp trên các tuyến quốc lộ, ông Liên cho hay: “Trong những năm qua, hạ tầng giao thông đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần đặt ra là việc phân luồng giao thông còn tồn tại nhiều bất cập. Một số tuyến cao tốc hay quốc lộ chưa có làn đường riêng cho xe trọng tải lớn, các phương tiện đi hỗn hợp nên mới có chuyện xảy ra tai nạn thảm khốc”.

“Ngoài ra, cần phải rà soát lại việc đặt đèn đỏ trên các tuyến quốc lộ, tại sao cơ quan chức năng không cắm biển hướng dẫn giao thông không cho xe trọng tải lớn đi chung vào các làn xe máy và vào khu vực đông dân cư. Đèn đỏ đã được lắp đặt đúng vị trí chưa? Nên chăng cần phải đầu tư đường gom tại các khu đông dân cư có quốc lộ đi qua và phát triển cảng biển, đường sắt để hạn chế xe tải nặng”, ông Liên đặt ra vấn đề.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm