Tham vấn học đường giúp phụ huynh tiếp tục chắp cánh ước mơ cho con

17/08/2019 - 19:04
Mới đi vào hoạt động 6 tháng nhưng mô hình Phòng tham vấn học đường của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã được đánh giá cao.
Ngày 17/8, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với trường Marie Curie tổ chức tổng kết 6 tháng thử nghiệm mô hình “Tham vấn học đường”. Phòng Tham vấn chính thức ra mắt vào ngày 26/11/2018.
 
Qua 6 tháng hoạt động, Phòng Tham vấn học đường trường Marie Curie đã có 207 trường hợp tới tham vấn. Tỷ lệ các học sinh nữ chủ động đến phòng tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn nam: nữ chiếm 82% ca học sinh chủ động đến tham vấn. Song song với hoạt động tham vấn, đánh giá học sinh, Phòng Tham vấn còn tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng mềm nhằm tương tác và phát hiện các rối nhiễu của trẻ qua các hoạt động.
 
 
img_2991_1600x1067.JPG
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie - phát biểu tại cuộc họp tổng kết 

 
Với 3 chức năng chính: Sàng lọc sớm, đánh giá trực tiếp qua các công cụ lâm sàng, xây dựng phác đồ trị liệu cho các trẻ gặp khó khăn trong việc học, mối quan hệ bạn bè, rối nhiễu hành vi, phòng đã phát hiện và hỗ trợ thành công nhiều trẻ, xây dựng lại giá trị và giúp học sinh tự tin vượt qua chính mình.
 
 
img_2981_1600x1067.JPG
Đại diện các khối trường Marie Curie và cha mẹ học sinh tham gia Tham vấn

 

Trung bình hàng tháng, Phòng Tham vấn hỗ trợ 70 - 80 ca. Có những ca đặc biệt phải tiến hành trị liệu 9 buổi để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Hiện Phòng Tham vấn của trường được chia thành nhiều phòng có chức năng chuyên biệt như phòng hỗ trợ cá nhân, phòng tham vấn nhóm và phòng vận động.
 
 
img_3054_1600x1067.JPG
Tiến sĩ Bùi Thị Hòa (giữa) - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - đánh giá cao ý nghĩa của mô hình và cho rằng cần nhân rộng.

 

Trong buổi tổng kết 6 tháng hoạt động của Phòng Tham vấn, Hiệu trưởng trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho biết: "Trong quá trình đồng hành với phòng, chúng tôi nhận thấy 6 tháng vừa qua, Phòng Tham vấn đã có những thành công và chứng minh được ý nghĩa của mô hình. Phòng có cả những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, công tác ở vị trí khác nhau khiến cho hoạt động này có hiệu quả hơn nữa, phong phú và linh hoạt. Chúng ta đã thành công ở giai đoạn thử nghiệm và sẽ tiếp tục triển khai ở năm học tới”.
 
 
img_3039_1600x1067.JPG
Chuyên gia Tham vấn Nguyễn Thị Thắm (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội)

 

Chia sẻ tại buổi họp, Tiến sĩ Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho hay: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề gia đình. Hôm nay được nghe những câu chuyện của các phụ huynh và những chia sẻ về công việc của các cô tham vấn, đặc biệt là sự chia sẻ của thầy Hiệu trưởng, tôi cảm nhận được những công việc rất thầm lặng của nhà trường, chị em trong Phòng Tham vấn. Họ đã giúp cho phụ huynh tiếp tục chắp cánh ước mơ, hy vọng cho con cái của mình".
 
 
img_3071_1600x1067.JPG
Chị Đỗ Trang - Quản lý Phòng Tham vấn học đường - nhận khen thưởng của Ban Giám hiệu nhà trường

 

Tuy mô hình mới chỉ triển khai được 6 tháng nhưng qua đánh giá của nhà trường và phụ huynh cho thấy, hoạt động thực sự đã có kết quả. Học sinh đã chọn Phòng Tham vấn để giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, ước mơ mà không thể trao đổi với giáo viên hay cha mẹ. Đây là sự thành công lớn khi các học sinh chủ động đến để tham vấn và phòng luôn nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh và học sinh.
 
 
img_3076_1600x1067.JPG
Đánh giá về thành công của hoạt động không thể bỏ qua đội ngũ chuyên gia có nghề, tâm huyết. Có những ca tham vấn ,các chuyên gia tại phòng đã làm không kể thời gian
 
“Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về giải tỏa tâm lý càng nhiều hơn. Giáo viên bị áp lực về kết quả và áp lực từ phía phụ huynh, danh tiếng của trường. Cha mẹ thường không thể hiểu được tâm lý của trẻ trong độ tuổi thay đổi, bây giờ học sinh chịu nhiều áp lực như ở trong trường, gia đình, ngoài xã hội. Chính vì thế, mô hình "Tham vấn học đường" cần nhân rộng hơn” - Tiến sĩ Bùi Thị Hòa chia sẻ.
 
Chị Phạm Thùy Linh, mẹ của một học sinh tham vấn, cho biết, con chị học tại đây đã một năm và luôn cảm thấy hạnh phúc từng ngày ở trường. Con bị thiếu hụt tình cảm và thường kìm nén cảm xúc, thiếu tự tin, khó hòa nhập. Nhưng khi tham gia lớp tham vấn, con đã thay đổi, tự tin hơn rất nhiều.
 
Đó là chia sẻ rất thật của một trong nhiều phụ huynh có con tham gia tham vấn. Hy vọng rằng, mô hình "Tham vấn học đường" này sẽ ngày càng được nhân rộng tại các trường học. Khi mà ngày nay, cha mẹ không chỉ đưa con đến trường để học chữ và kiến thức mà còn lớn lao hơn nữa phát triển một cách toàn diện và đạt dần những mong muốn.

Mô hình “Tham vấn học đường” tiếp tục triển khai năm học 2019 - 2020 và duy trì bền vững tại trường Marie Curie, giúp học sinh có môi trường học tập và phát triển toàn diện.

Phòng Tham vấn đã tiến hành đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh của cả 3 cấp gồm:

- Tiểu học 30 lớp: Kỹ năng sống an toàn – Bảo vệ và chăm sóc bản thân, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, đặc biệt là an toàn qua mạng internet và phòng ngừa nghiện internet.

-  THCS 46/48 lớp: Mục tiêu và ý nghĩa của cuộc sống và việc học, tăng động lực cho bản thân, nhận thức và phát huy điểm mạnh, giá trị bản thân.

- THPT 32 lớp: Tình bạn, tình yêu, sức khỏe sinh sản vị thành niên và tình dục an toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm