Tháng năm rực rỡ, cái kết ngọt cho phụ nữ

07/03/2018 - 14:02
Bộ phim Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang là bộ phim nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả. Phim được thực hiện tử tế và nhiều xúc cảm, là kết cái hậu ngọt dành cho các cô gái...
Phim được đầu tư chỉn chu

Từ trước khi phim ra rạp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã tiết lộ cùng báo giới nhiều câu chuyện hậu trường. Trong đó, anh tiết lộ rằng bộ phim được thực hiện ghi hình chủ yếu tại Đà Lạt nhưng có một đại cảnh hỗn chiến diễn ra tạ quảng trường trước rạp hát Hòa Bình khiến cả ekip rất đau đầu. Bởi đây là vị trí “đắt đỏ” nhất Đà Lạt, nếu muốn các tiểu thương ngưng kinh doanh một ngày để quay thì chi phí bồi thường là quá lớn, đoàn phim không thể đáp ứng.
phim-thang-namruc-ro_2.png
Nhiều bối cảnh phim được dựng công phu, đẹp mắt

Để giải quyết bài toán này, anh đã phải bàn bạc và tìm giải pháp là cho đội ngũ thiết kế hậu trường phục dựng, “sao y bản chính” toàn bộ không gian quảng trường Hòa Bình này ngay tại Sài Gòn. Bởi chi phí phục dựng cảnh trí còn rẻ gấp nhiều lần so với việc đền bù thiệt hại cho các tiểu thương tại Đà Lạt. Khi phim ra mắt, nếu không biết trước thì khó có khán giả nào có thể phát hiện bối cảnh của đại cảnh hỗn chiến trong phim đó lại là cảnh giả. Chi tiết này ít nhiều “dự báo” được sự đầu tư rất nghiêm túc của cả ekip đoàn làm phim.

Ngoài đại cảnh kể trên, trong Tháng năm rực rỡ, có thể thấy thêm nhiều bối cảnh, phục trang nhân vật gắn với hình ảnh của một Đà Lạt trước 1975, và Sài Gòn của những năm 2000 đã được phục dựng rất công phu như quán cà phê, ga tàu và nhiều đại cảnh khác… tất cả dù chưa thể đạt đến độ hoàn mỹ nhưng cũng không gây cảm giác “giả quá”. Đặc biệt trong phim có một trường cảnh cô bé Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) cầm chiếc ô chạy, nhảy, múa, hát dưới mưa. Hiểu Phương và ekip hẳn đã phải dầm mưa rất lâu mới có thể hoàn thành cảnh quay này.
phim-thang-namruc-ro_3.jpg
Phục trang nhân vật phù hợp với bối cảnh lịch sử

Trong phim, 12 nhân vật nữ chính đều đẹp, đậm chất điện ảnh trong mọi cảnh quay. Ánh sáng, màu sắc của phim được cân nhắc sử dụng đẹp và hợp lý, giúp tôn lên tối đa cảm xúc của nhân vật trong mỗi phân đoạn. Âm nhạc cũng lại một lần nữa giúp khắc họa tâm lý nhân vật khá tốt. Giám đốc âm nhạc của phim - nhạc sĩ Đức Trí - đã góp phần quan trọng nâng tầm của bộ phim. Bởi âm nhạc luôn vang lên đúng lúc, đúng giai điệu, thậm chí là lời các ca khúc cũng hoàn toàn trùng khớp với tâm trạng nhân vật và khán giả.
 
Nếu như Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy và Ngọc Chánh) là ca khúc khơi cảm hứng cho tên gọi của nhóm nữ quái trong phim bởi sự tươi trẻ và nổi loạn, thì ca khúc Yêu (Y Phụng) chính là lời tự sự cho những rung động đầu đời của Hiểu Phương trước chàng trai mà mình thầm thương trộm nhớ... Trái ngược với YêuNụ hôn đánh rơi lại khiến người nghe vừa đồng cảm vừa day dứt với mối tình đầu không trọn vẹn của Hiểu Phương. Trong khi đó, ca khúc chủ đề Rực rỡ tháng năm (Mỹ Tâm) là những giai điệu giàu cảm xúc về tuổi trẻ tươi đẹp đã trôi qua nhóm Ngựa Hoang.

hieu-phuong.JPG
Nhân vật được chăm chút trong từng khung hình

Không khiến khán giả bị gãy cảm xúc
 
Một nhược điểm của đa số phim Việt trước nay là thường làm… gãy tâm lý người xem. Chẳng hạn phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân năm trước chỉ khiến khán giả phì cười trong phân cảnh cuối: Tấm khóc tức tưởi trước cái chết của Hoàng Tử. Hoặc phim "Giấc mơ Mỹ" của Mai Thu Huyền mới đây cũng ít nhiều gây gãy đổ tâm lý người xem trong phân cảnh nữ nhân vật chính lái xe xuyên cơn bão cát để đến bên người yêu trong phút hấp hối chỉ vì áp dụng kỹ xảo chưa phù hợp.
phim-thang-namruc-ro_2.jpg
Bộ phim mang đến nhiều cảm xúc chân thật cho người xem

Trong "Tháng năm rực rỡ", đạo diễn Quang Dũng không lạm dụng kỹ xảo, hỗ trợ xúc cảm nhân vật chính là mạch truyện hợp lý, là cảnh quay phù hợp, là âm nhạc đúng lúc…

phim-thang-namruc-ro_1.png
Âm nhạc được Đức Trí và Quang Dũng cân nhắc sử dụng hiệu quả

Phim có một cái kết có hậu dành tất cả cô gái sau khi họ đã trải qua biết bao câu chuyện nắng mưa của cuộc đời. Và như có khán giả nhận xét, phim của Dũng "Khùng" không giống một phim được “remake” từ phiên bản chính của phim của Hàn Quốc. Nhưng Dũng cũng đã học hỏi được ở phiên bản Hàn Quốc và các phim tình cảm khác của Hàn Quốc, đó là cách tránh làm gãy đổ tâm lý nơi người thưởng thức bộ phim dù có vì bất cứ lý do gì. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm