Tháng Tư Trường Sa và khát vọng hòa bình

30/04/2018 - 10:16
Những cánh cò trắng phau, đàn chim bồ câu tung cánh, tiếng nô đùa của trẻ thơ dưới cánh diều no gió… tất cả gợi lên một làng quê thanh bình mà ta có thể bắt gặp đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam.

Trân quý thay khi chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh đó ngay tại quần đảo Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng - nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Rời đất liền thân thương, con tàu Trường Sa 571 nhằm hướng quần đảo Trường Sa thẳng tiến, mang theo những bầu máu nóng, những con tim khao khát được đến với quần đảo thiêng liêng. Đặc biệt hơn, khi chúng tôi được đến Trường Sa trong những ngày tháng Tư rực lửa, những ngày mà 43 năm trước, quần đảo thiêng liên ấy được giải phóng.

anh-truong-sa-tha-dieu.jpg
Giây phút thanh bình trên đảo Trường Sa lớn.

Khi chúng tôi chưa kịp làm quen nhau thì Phó trưởng Đoàn công tác số 7 - Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, đã mời anh em nhà báo, phóng viên lên nói chuyện. Vị tướng đã từng không biết bao nhiêu lần đưa anh em ra Trường Sa bồi hồi xúc động mở đầu: “Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và khát khao hòa bình. Vì thế, khi đến với Trường Sa lần này, tôi muốn mang theo một thông điệp khao khát hòa bình, chúng ta hãy cũng lan tỏa thông điệp đó bằng những hành động cụ thể, bài viết cụ thể”.

Khi ra với vùng biển đảo thiêng liêng ấy, nhất là 2 lần trực tiếp tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biển đảo, chúng tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cập cảng Trường Sa lớn trong niềm hân hoan chào đón của quân và dân trên đảo. Trường Sa lớn được mệnh danh là "Thủ đô của quần đảo". Ngay khi vừa bước chân lên đảo, một cảm giác bình yên đến lạ khi bắt gặp những cánh cò bay lả trong buổi chiều lộng gió.

Với đa phần chúng tôi, những người lần đầu tiên được đến với Trường Sa đều ngạc nhiên bởi dáng dấp thân thương, mềm mại của những ngôi chùa đậm văn hóa Việt. Giữa nơi đầu sóng ngọn gió, trên các đảo mà chúng tôi đi qua như Trường Sa lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn…đều hiển hiện những ngôi chùa linh thiêng hướng về đất Mẹ.

co-o-truong-sa.jpg
Những cánh cò trên đảo Trường Sa lớn gợi nhớ hình ảnh thân thương, yên bình của làng quê.

Đứng trước những khung cảnh ấy, dù đang ở giữa trùng khơi, cách đất liền hàng trăm hải lý, nhưng mỗi người khách đều có cảm giác như đang đặt chân tới một làng quê nào đó trên dải đất hình chữ S thân thương bởi nó mang đến sự thanh bình, yên ả.

Năm 2017, Trường Sa hứng chịu 2 con bão lớn khiến nhiều cây bị bật gốc. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, màu xanh ngời ngợi của phong ba, của bàng vuông, tán dừa đã phủ khắp đảo. Trong khoảng thời gian ngắn đi thăm đảo, đã đôi lần tôi nghe đâu đó lời nói của một vị cán bộ trong đoàn, đó là màu xanh của sức sống, của hy vọng và chất chứa khát vọng hòa bình của quân và dân trên đảo Trường Sa.

Cánh chim mang khát vọng hòa bình

Vừa dẫn chúng tôi lên đảo Trường Sa lớn, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải vừa chia sẻ, không biết tự bao giờ, trên thị trấn Trường Sa luôn có một đàn cò trắng phau tìm về cư ngụ, bầu bạn với quân và dân nơi đây. Sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển, qua 10 điểm đảo xung quanh chúng tôi chỉ có sóng và nước. Thế nên, khi nghe đến đàn cò ở đảo Trường Sa, ai cũng háo hức, đợi chờ.

Đặc biệt thay, khi vừa bước chân tới đường băng trên đảo, chúng tôi bắt gặp những chú cò thong thả tìm mồi dưới những tán bàng vuông. Nghe tiếng động, chúng vỗ cánh bay lên trước sự ngạc nhiên lẫn thích thú của khách phương xa. Có lẽ, chưa bao giờ cánh cò lại thân thương và có ý nghĩa đến vậy.

Sau khi dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng mộ liệt sỹ trên đảo, chúng tôi quay lại cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa. Thật bất ngờ, giữa cái nắng của buổi chiều tháng Tư, những em bé “quê em ở Trường Sa” đang chơi thả diều cùng với các chiến sỹ hải quân. Dường như lúc này, phong ba bão tố của biển cả đã trở nên nhỏ bé trước tiếng cười rộn rã, tiếng reo hò khi cánh diều lên cao của những em bé Trường Sa.

em-be-truong-sa.jpg
Ngoài giờ học, các "em bé Trường Sa" cùng nhau chơi thả diều. Nhìn khung cảnh này ai cũng tưởng đang lạc vào làng quê trên đất liền.

“Tuổi thơ của em gắn liền với cánh diều, nhưng chưa khi nào em thấy diều đặc biệt đến vậy. Chưa khi nào em nghĩ mình lại có thể thả diều ở một nơi thiêng liêng như thế này”, cô bạn đồng nghiệp của tôi vừa nói vừa dúi chiếc máy ảnh vào tay tôi trước khi chạy ùa đến chơi diều với bọn trẻ.

Ngay sau đó, tại cộc mốc chủ quyền của đảo Trường Sa, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cùng với Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, lãnh đạo Đoàn công tác số 7 và các đại biểu cùng nhau phóng sinh chim bồ câu để biểu thị tình yêu, khát vọng hòa bình.

Trong nắng chiều Trường Sa lớn, hàng chục con chim bồ câu tung cánh hòa quyện với những cánh diều đang no gió tạo nên một khung cảnh yên bình, đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Không ai bảo ai, chúng tôi cứ nắm chặt tau nhau nguyện cầu cho sự hòa bình, ổn định trên hòn đảo vốn gặp nhiều bão tố, phong ba.

truong-sa-2.jpg
Những cánh chim mang khát vọng hòa bình.

Chiều tháng Tư rực rỡ, những cánh chim hòa bình từ Trường Sa tung bay giữa nắng gió trùng khơi, mang khát vọng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam gửi tới năm châu bốn biển. Để các đảo nổi đảo chìm như những con tàu màu xanh, mang chở khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam lao vun vút giữa đại dương.

Trường Sa lớn - điểm dừng chân cuối cùng trong hải trình đến thăm 11 đảo trên quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 7 - đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc thật mãnh liệt. Rời Trường Sa khi màn đêm đã buông xuống, không ai bảo ai, quân và dân Trường Sa cùng với các vị khách đều cất vang bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”. Điệp khúc “Biển này là của ta, đảo này là của ta” cứ ngân vang mãi cho đến khi tàu rời cảng, Trường Sa chỉ còn là một điểm sáng giữa trùng khơi.

Rời Trường Sa trong sự nuối tiếc bởi hạn hữu của thời gian nhưng màu xanh của sự sống, của hòa bình trên đảo sẽ không bao giờ dừng lại, bởi lớp lớp người con đất Việt sẽ quyết tâm giữ mãi màu xanh đó, giữ mãi khát vọng hòa bình cho thế hệ mai sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm