pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh"

Các thành viên nhóm Thanh Âm Xanh
Các thành viên đều đã có thời gian cùng học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và biểu diễn với nhau, có sự đồng điệu về lý tưởng, thẩm mỹ âm nhạc và tin tưởng để cùng phát triển. Niềm đam mê và khát khao cống hiến âm nhạc âm nhạc chính sợi dây để kết nối với cộng đồng yêu nhạc. Không chú trọng màu mè, hoa mỹ hay sự ồn ào của truyền thông, họ muốn chinh phục khán giả bằng sự tâm huyết, chỉn chu với từng sản phẩm âm nhạc.

Nghệ sĩ Phan Thuỷ - Trưởng nhóm - hiện là giảng viên đàn Tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cô đảm nhiệm phần phối khí, đạo diễn, lên ý tưởng cho nhiều sản phẩm của nhóm
Nghệ sĩ Phan Thủy - Trưởng nhóm Thanh âm xanh - cho biết: Tên Thanh Âm Xanh được lấy cảm hứng từ dự án cùng tên "Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh". Đây là dự án âm nhạc này không chỉ tượng hình về màu sắc của rừng, của cây, mà còn bao hàm rất nhiều những ý nghĩa như: sự tươi mới, sáng tạo trong âm nhạc, sự lành mạnh trong lối sống, và hy vọng về tương lai của những thanh âm truyền thống, tương lai của môi trường xanh cho Việt Nam".
Dự án "Vì 1 triệu cây tre Việt" cũng là dự án cộng đồng về môi trường mà nhóm đã đồng hành 4 năm nay. Dự án phủ xanh đồi trọc, trồng rừng, chống lũ quét nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu với hàng chục nghìn cây tre được phủ tại Mù Cang Chải, Yên Bái.
"Là người nghệ sĩ - sứ giả văn hoá, chúng tôi nhận thức được vai trò của mình với xã hội và thật ý nghĩa khi có thể góp sức nhỏ để mang tới một tương lai xanh cho những mảnh đất đang hứng chịu hậu quả thiên tai", nghệ sĩ Phan Thủy nói.
Âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng rất gần gũi với người dân Việt Nam, cây đàn dân tộc cũng có thể mô phỏng những âm thanh từ thiên nhiên, bởi nguyên liệu làm nên nhạc cụ cũng chính từ thiên nhiên Việt Nam. Âm nhạc còn là phương tiện truyền tải hữu hiệu thông điệp, thông qua những tác phẩm hay, tác động vào người nghe, nhóm hy vọng có thể lan tỏa được tiếng đàn, gửi gắm những thanh âm Việt Nam… Bên cạnh đó còn có thông điệp về bảo vệ môi trường trong mỗi lần tiếp cận khán giả.
Với kim chỉ nam là mong muốn lan tỏa tiếng đàn dân tộc, gần gũi hơn với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, các nghệ sĩ đã thể nghiệm qua nhiều thể loại âm nhạc, cách thức trình diễn. Với mỗi sản phẩm âm nhạc, nhóm lựa chọn những phong cách khác nhau sao để phù hợp với không gian, sân khấu, với tác phẩm, với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bởi khi cầm trên tay cây đàn truyền thống bằng cả sự tự hào và các thành viên nhóm đều muốn chú trọng tới sự trang nhã, tân thời.
"Chúng tôi luôn cảm thấy trân trọng khán giả, và thật sự nghiêm túc khi đứng trước nghệ thuật, âm nhạc. "Thanh âm xanh" hình thành và định hướng trên con đường âm nhạc của mình là sự mới mẻ, gần gũi trong cách thể hiện. Đây là điều mà người nghe ít thấy trong cách thể hiện của những nhóm nhạc dân tộc đi trước. Cách tiếp cận của nhóm là sự chỉn chu bên cạnh những yếu tố về kỹ thuật, hòa âm", nghệ sĩ Phan Thủy chia sẻ.

Mỗi thành viên đều có thể chơi từ 2 đến nhiều nhạc cụ trở lên, nên có sự linh hoạt trong mỗi phần biểu diễn
Đưa cây đàn truyền thống đến nhiều không gian
Có thể thấy, 8 thành viên của nhóm đã hoạt động lâu năm trong mảng nghệ thuật truyền thống, mỗi người một màu sắc, gắn với từng cây đàn khác nhau.
Mỗi thành viên cũng có thể chơi từ 2 đến nhiều nhạc cụ trở lên, nên có sự linh hoạt trong mỗi phần biểu diễn, có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, hỗ trợ nhau. Ban đầu, nhóm sử dụng chủ yếu các nhạc cụ về tre nứa, chú trọng việc truyền tải thông điệp môi trường. Sau đó đưa thêm các loại nhạc cụ dân tộc khác, tạo sự đa dạng với nhiều thể loại âm nhạc hơn, từ tốp tấu T'rưng, cho đến đồng tấu trống…
Các nghệ sĩ cũng chia sẻ rằng, là một tập thể gồm nhiều thành viên nữ, mỗi người một cá tính, quan điểm... nên bất đồng trong công việc, cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Nhưng các nghệ sĩ luôn tôn trọng nhau, lắng nghe và chia sẻ, xử lý các vấn đề để cùng nhau tìm ra giải pháp và hướng đến kết quả tốt nhất cho nhóm. Việc duy trì tập luyện nhóm cũng là một vấn đề khi mỗi thành viên đều có công việc cơ quan, gia đình riêng.
"Thông thường nhóm giữ lịch tập luyện tuần/lần nhưng khi vào các dự án, chương trình biểu diễn cần có sự tập trung, mật độ tập luyện sẽ dày hơn. Các thành viên đều là phụ nữ nên chúng mình dễ đồng cảm với nhau, hiểu thiên chức và có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống", Trưởng nhóm nói.
Đầu năm 2025, "Thanh âm xanh" đã ra mắt MV "Mộng thượng ngàn - hành trình mộng ảo", tôn vinh âm nhạc chầu văn, tín ngưỡng đạo mẫu đã nhận được sự hồi đáp tích cực từ khán giả.
Hiện nay các nghệ sĩ vẫn vừa biểu diễn vừa tích cực giảng dạy nhằm đào tạo một thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp nối hành trình văn hoá truyền thống. Nhóm hiện đang ấp ủ ra mắt album đầu tay với phong cách dân gian đương đại, trẻ trung và bắt tai, thích hợp với đối tượng khán giả trẻ; tiếp nối tổ chức buổi hoà nhạc gây quỹ, đưa cây đàn truyền thống đến nhiều không gian, sân khấu.
- Năm 2021, nhóm tham gia biểu diễn trong chương trình "Thanh âm núi rừng" gây quỹ và kết quả đã có 10.000 cây tre Mạy Khao Lam được trồng trên diện tích 25ha tại 2 bản của tỉnh Yên Bái.
- Bên cạnh đó, nhóm cũng tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kết nối thanh âm "Nghe trẻ-Nghe tre" và tổ chức lớp dạy cách chơi nhạc cụ làm bằng tre nứa cho 120 em học sinh người Mông thuộc hai điểm trường xã Dế Xu Phình và xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải).
- Tháng 7/2023, nhóm khởi động hoạt động trồng rừng, với mục tiêu làm giàu rừng và tạo rừng sinh kế với 2.550 cây tre bát độ tại 2 xã Púng Luông và Mồ Dề thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.