Tin tổng hợp

Thành công nhờ chăn nuôi và bán sản phẩm từ thịt bò an toàn

01/08/2018 - 06:40 AM
Qua nhiều năm lăn lộn, bươn trải với nghề, được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Hồng Loan Ninh Thuận, đã triển khai thành công dự án tam nông, liên kết trực tiếp với hộ nông dân chăn nuôi bò theo quy trình khép kín tạo ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bước đường gian truân 

Từ 30 năm trước, ngày ngày chị Hồng Loan tất tả ngược xuôi thu mua thịt bò đưa tới các nhà hàng để kiếm kế sinh nhai. Có thời điểm chị phải một thân một mình “lê la” khắp khu vực giáp biên giới Campuchia để tìm nguồn hàng. “Cái khó ló cái khôn”, chị cũng là người đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận thực hiện ý tưởng giao bò cho một số hộ dân tộc miền núi nghèo khó mượn làm sức cày rồi sau một thời gian thu nhận lại làm bò thịt. 

Cuộc mưu sinh trải qua nhiều khó khăn, từ việc xoay xở tìm nguồn vốn, tìm nguồn cung cho tới đầu ra của sản phẩm… Thương trường khốc liệt, chị thường xuyên phải đối mặt với sự cạnh tranh: Cạnh tranh với bò ngoại nhập, với thương lái các tỉnh tới thu gom thịt bò, đỉnh điểm là năm 2012 khi doanh nghiệp nước ngoài mở cơ sở sản xuất ngay tại Ninh Thuận, chế biến thịt bò xuất khẩu khiến giá bò hơi bị đẩy lên cao…

Với bản lĩnh và kinh nghiệm tích lũy được, chị từng bước tháo gỡ khó khăn trong khi nhiều cơ sở cùng ngành trong tỉnh điêu đứng, phải giải thể. “Tố chất tạo nên bản lĩnh ấy chính là tính kiên nhẫn, cầu toàn và nỗ lực làm cho bằng được mục tiêu đã đặt ra”, chị Loan chia sẻ.

Chị Hồng Loan (bìa trái) trao đổi với khách tại cửa hàng

 

Triển khai thành công dự án hỗ trợ tam nông 

Năm 2016, trong lúc đang trăn trở làm thế nào duy trì được nguồn cung ổn định, đảm bảo chất lượng, chị Loan được hội khuyến nông tỉnh giới thiệu về dự án hỗ trợ tam nông (dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Ngay lập tức, chị tiến hành lập dự án với mô hình liên kết trực tiếp cùng hộ nông dân chăn nuôi bò, tạo nên quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến khi tiêu thụ.

Khu chăn nuôi bò tại một hộ nông dân thuộc dự án

 

Cùng với sự hỗ trợ của IFAD, doanh nghiệp Hồng Loan Ninh Thuận đã liên kết với 138 hộ nông dân chăn nuôi bò. Ban đầu, các hộ nhận con giống, một phần kinh phí thức ăn và dịch vụ chăm sóc thú y. Bò sẽ được nuôi theo hình thức chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên kết hợp thức ăn theo quy định của dự án. Đến thời điểm xuất bán, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận. Sau khi thu mua, bò sẽ được tập kết tại trang trại. Tại đây, cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra, đảm bảo bò sạch bệnh trước khi tiến hành hoạt động giết mổ.

 

Thịt bò được đóng gói, hút chân không tại xưởng sản xuất của công ty

 

Lò mổ được xây dựng đạt chuẩn với hệ thống nước thải đưa vào bể tự hoại, đảm bảo toàn bộ hoạt động giết mổ thực hiện đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp có 2 điểm liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm với sản lượng xấp xỉ 1 tấn/ngày.

Ngoài ra, cơ sở cũng xây dựng thành công thương hiệu Bò Vàng Ninh Thuận, đạt chứng nhận của cơ quan quản lý thú y với các sản phẩm thịt bò tươi sống, chả bò, bò viên và khô bò.

 

Công nhận đang đóng gói chả bò

 

Hiện nay, thương hiệu Bò Vàng của Công ty TNHH Dịch vụ Hồng Loan Ninh Thuận không chỉ chiếm thị phần chủ yếu tại địa bàn tỉnh nhà mà còn có mặt tại siêu thị Co.opmart Bình Thuận, chợ Đà Lạt, TP Khánh Hòa, TPHCM… Mục tiêu tương lai của doanh nghiệp là chế biến thêm bò một nắng, mở rộng mạng lưới phân phối ra các hệ thống siêu thị, đồng thời hướng đến xuất khẩu. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn