pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Hóa: Phát huy vai trò của Hội LHPN trong xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo (thứ 4 từ trái sang) trao gà giống cho đại diện HTX do phụ nữ làm chủ tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc
Đóng góp vào thành quả chung đó có sự tham gia tích cực của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, bằng những phong trào, việc làm thiết thực, hiệu quả.
Để làm rõ vai trò của các cấp Hội LHPN tại tỉnh Thanh Hóa trong công tác chung tay xây dựng Nông thôn mới tại địa phương, PV báo Phụ nữ Việt Nam đã trao đổi với Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo.
+ PV: Xin bà cho biết thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có những chủ trương, kế hoạch gì trong việc triển khai thực hiện nông thôn mới?
- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã kịp thời ban hành 452 văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động công tác năm 2023, trong đó tích cực triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.
+ PV: Cụ thể, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có những hoạt động nào để triển khai kế hoạch đề ra, thưa bà?
- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Chúng tôi tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và nội dung “Vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”. Tính đến tháng 9 năm 2023, các cấp Hội đăng ký/thực hiện 1.260 phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; ra mắt 4 điểm mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, nâng tổng số mô hình trên toàn tỉnh đạt 103 mô hình. Đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội đều thực hiện tập huấn "Kỹ năng phân loại rác thải, xử lý rác tại hộ gia đình" cho các hộ gia đình, hỗ trợ xây dựng hố phân loại rác thải, triển khai hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình quy trình sản xuất chế phẩm sinh học chăm sóc bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Trong công tác truyền thông, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; tổ chức “Phiên chợ truyền thông phòng chống rác thải nhựa” tại huyện Quảng Xương; trao 400 làn nhựa, trồng 100 cây xanh, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu tại xã Hoằng Quang; hỗ trợ xây dựng 10 mô hình “Đường tranh bích họa”; duy trì hiệu quả phong trào "Ngày thứ bảy/chủ nhật tình nguyện" dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, nơi công cộng; tổ chức ra mắt các mô hình, CLB về bảo vệ môi trường, trồng hoa, hàng rào xanh, gắn biển nhà sạch - vườn đẹp.
Đặc biệt, Hội LHPN các cấp rất tích cực trong việc vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh tại địa bàn.
+ PV: Bên cạnh công tác môi trường, được biết Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cũng rất tích cực trong việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ", các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động, lồng ghép nguồn lực tổ chức hơn 580 sự kiện truyền thông, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng chăm sóc gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, an toàn giao thông, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em cho trên 540 nghìn lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em.
Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đề án với Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn; phối hợp với CLB khuyết tật tỉnh nói chuyện chuyên đề "Mục đích và ý nghĩa của cuộc đời" cho người khuyết tật; vận động, hỗ trợ gần 20 nghìn hội viên, phụ nữ mua thẻ Bảo hiểm y tế; đẩy mạnh quan tâm thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn như: tuyên truyền về nếp sống văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản và các vấn đề về giới cho các hội viên, phụ nữ và đồng bào dân tộc Mông.
+ PV: Có thể thấy, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều chương trình hoạt động trong quá trình chung tay xây dựng nông thôn mới. Vậy trong quá trình triển khai, bà nhận thấy có những khó khăn nào còn vướng mắc hoặc chưa được cấp cơ sở triển khai hiệu quả?
- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Mặc dù các cấp Hội đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó để thực hiện rất tích cực phong trào thi đua, cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", chương trình bảo vệ môi trường, tuy nhiên chủ yếu chỉ tập trung ở một sô huyện tiêu biểu. Tại một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên phụ nữ có lúc, có việc chưa kịp thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn một số hạn chế. Tôi rất lấy làm tiếc khi tại một số nơi, có những chị chi hội trưởng, chi hội phó xin thôi tham gia hoạt động Hội do phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều, chế độ phụ cấp thấp. Đó không chỉ là trăn trở của riêng tôi mà rất nhiều cán bộ hội cơ sở khác trong công tác hội.
+ PV: Để khắc phục những khó khăn đó, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa sẽ có những kế hoạch gì để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong công tác Xây dựng Nông thôn mới, thưa bà?
- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại 3 tháng cuối năm của từng chi tiêu theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Hội LHPN tỉnh; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp để giao lưu trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, việc làm tốt ở mỗi địa phương, đơn vị cũng như phát huy và nhân rộng các mô hình hiệu quả để làm tốt hơn nữa vai trò của mình.
+ Xin cám ơn bà!