Jeanne Lanvin chào đời vào ngày đầu tiên của năm 1867 tại Paris, Pháp. Bà là chị cả trong gia đình nghèo có 11 người con.
Vốn có niềm đam mê thời trang từ rất sớm nên khi mới 13 tuổi, Lanvin đã bắt đầu học việc tại một nhà làm mũ thủ công trên đường Faubourg Saint-Honoré, Pháp. Công việc đưa cô gái trẻ sang tận Barcelona, Tây Ban Nha. Có hàng trăm cô gái làm việc vặt trong các cửa hiệu may mặc và phục vụ nhu cầu của khách hàng về các loại quần áo, mũ nón, vật dụng trang điểm nhưng không ai có ý chí như Lanvin. Cô được mệnh danh là ‘cô bé xe buýt’ bởi thói quen chạy bộ theo xe buýt loại ngựa kéo để tiết kiệm tiền xe.
Nhà thiết kế Jeanne Lanvin. |
5 năm sau, khi 18 tuổi, Lanvin đã học xong nghề làm mũ nón dành cho phụ nữ và tự mình đứng ra kinh doanh. Khi quay trở lại Paris, năm 1889, bà mở cửa hàng chuyện thiết kế mũ đầu tiên mang tên mình nằm ở một gác mái trên đường Marché Saint-Honnoré. Đây chính là nơi khởi đầu của thương hiệu Lanvin. Lúc này, vốn liếng của Lanvin chỉ là 1 đồng luy (loius) vàng và 300 quan tiền mua chịu của các nhà cung cấp nhưng bà đã hoàn toàn dốc lòng cho niềm đam mê nghề nghiệp và niềm tự hào khi có thể chu cấp cho cả gia đình. Sau đó Jeanne chuyển cửa hàng của mình qua số 16 phố Boissy d’Anglas và cuối cùng dừng lại ở 22 phố Faubourg Saint-Honoré - địa điểm tồn tại tới tận ngày nay.
Năm 1895, Lanvin kết hôn với một nhà quý tộc người Ý Emilio di Pietro. Hai năm sau, họ có với nhau một con gái duy nhất là Marguerite. Sự hiện hữu của Marguerite đã đem đến cho Lanvin nguồn cảm hứng thiết kế quần áo cho trẻ em. Bà đã thiết kế những bộ váy áo cực kỳ công phu cho con gái mình. Khi những đơn đặt may cho con từ các bậc phụ huynh gửi tới ngày càng nhiều, Lanvin liền mở một phân xưởng quần áo trẻ em và biến nó thành ý tưởng kinh doanh.
Mẫu vẽ minh họa những thiết kế dành cho trẻ em năm 1929. |
Năm 1908, bà dừng hẳn công việc thiết kế mũ và cho ra đời dòng sản phẩm thời trang trẻ em đầu tiên. Trẻ em chưa bao giờ được diện những bộ cánh đẹp và riêng biệt như thế. Danh tiếng của bà nhanh chóng lan rộng và Lanvin đã trở thành nhãn hiệu được yêu thích tại Paris. Chính điều này đã khiến Lanvin được ghi danh là người sáng tạo nên khái niệm thời trang trẻ em
Rất nhanh sau đó, các bà mẹ cũng trở nên yêu thích các mẫu thiết kế này và yêu cầu được sở hữu những trang phục y như vậy với kích thước phù hợp với bản thân họ. Jeanne Lanvin chỉ sau một thời gian ngắn đã khiến giới phụ nữ mê mẩn bởi kiểu trang phục cặp đôi mẹ và con gái. Rất nhiều những tên tuổi lớn ở châu Âu thời bấy giờ cũng trở thành khách hàng quen thuộc của cửa tiệm nhỏ trên phố Faubourg Saint-Honoré. Khi Marguerite lớn lên và trở thành một người phụ nữ, phong cách thiết kế của Lanvin cũng thay đổi theo cho phù hợp. Có thể nói sự trẻ trung trong phong cách thiết kế của bà đã góp một phần quan trọng vào diện mạo thời trang thế kỷ 20.
Mẫu quảng cáo hình mẹ và con gắn liền với logo của Lanvin. |
Năm 1911, bộ sưu tập mùa hè, thiết kế váy cưới đầu tiên của Jeanne Lanvin được trình làng với những đường nét mềm mại và lãng mạn.
Đến năm 1913, một dòng sản phẩm mới mang thương hiệu Lanvin được ra đời với những trang phục làm từ chất liệu lông thú sang trọng sử dụng kỹ thuật xử lý kiểu mới.
Năm 1920, bà phát triển dòng sản phẩm Lanvin Decoration - đồ trang trí nội thất. Với dòng sản phẩm này, bà đã nâng tầm tên tuổi Lanvin không chỉ là một thương hiệu thời trang cao cấp mà còn là một phong cách sống. Hợp tác cùng kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất Armand-Albert Rateau, Lanvin đã mở cửa hàng riêng cho dòng sản phẩm đồ nội thất tại số 15 đường Faubourg Saint-Honoré với những sản phẩm như thảm, rèm, đèn chùm, gạch lát, giấy dán tường...
Cũng trong thập niên 1920, khi những chiếc áo dạ hội của Lanvin đạt đến đỉnh vinh quang, kĩ thuật kết hạt tuyệt hảo được coi là dấu ấn tiêu biểu nhất của công ty bà.
Jeanne Lanvin miệt mài bên các sản phẩm. |
Năm 1923, tủ đồ của những phụ nữ sành điệu thời bấy giờ tiếp tục được bổ sung thêm các thiết kế của dòng sản phẩm Lanvin Sport. Những thiết kế đồ thể thao của Lanvin là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự thoải mái và các kỹ thuật may mặc tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Trang phục chơi tennis, golf và đồ bơi đều được tính toán kỹ lưỡng để mang tới cảm giác thoải mái nhất khi vận động mà vẫn giữ được vẻ sang trọng.
Đến năm 1925, các xưởng của Lanvin thu hút hơn 800 người làm không tính đến nhân viên bán hàng. Khi các bộ sưu tập mới được trình diễn, khách hàng, phần lớn là phụ nữ Mỹ, sẵn sàng vượt Đại Tây Dương chỉ để sắm cho mình những bộ đầm yêu thích.
Năm 1926, Lanvin trở thành nhà mốt đầu tiên mang tới hai dòng sản phẩm trang phục cho nữ và cho nam lúc bấy giờ. Dòng sản phẩm áo sơ mi may đo được ra đời cùng thời điểm với dòng sản phẩm đồ lót Lanvin Lingerie. Cùng với dòng nước hoa My Sin ra đời năm 1925 bán tại Mỹ, năm 1927, Lanvin cho ra mắt tiếp dòng nước hoa Arpège, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của lịch sử nước hoa thế giới. Hai mẫu nước hoa này khiến tên tuổi bà nổi như cồn. Cửa hàng nước hoa đầu tiên của Lanvin mở tại số 4 Champs Elysées, với những buổi ra mắt hoành tráng ở Cannes và Touquet. Dần dần, một ‘đế quốc’ thời trang đã được hình thành.
Năm 1938, Jeanne Lanvin được vinh danh với Huân chương Bắc đẩu Bội tinh - Huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp cho những thành tựu và cống hiến của bà trong lĩnh vực thời trang.
Bà được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh - phần thưởng cao quý của nhà nước Pháp cho những cống hiến của mình. |
Ngày 6/7/1946, Jeanne Lanvin qua đời ở tuổi 79. Trong vòng hơn 50 năm, bà đã mang đến những sáng tạo làm thay đổi quan niệm của mọi người về thời trang. Sức ảnh hưởng của bà đã vượt ra khỏi biên giới nước Pháp.
Năm 2001, thương hiệu Lanvin được bán lại cho Harmonie S.A., đứng đầu là bà Shaw Lan Wang, một nữ doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc). Dưới sự chỉ đạo của bà Shaw, Lanvin vẫn trung thành tuyệt đối với giá trị tinh thần được gây dựng bởi Jeanne Lanvin từ những ngày đầu thành lập. Đây cũng là năm nhà thiết kế Alber Elbaz chính thức đảm nhiệm vai trò Giám đốc Sáng tạo dòng sản phẩm thời trang và phụ kiện nữ. Ông được đánh giá là người có công lớn trong việc thức tỉnh ‘người đẹp ngủ trong rừng’ Lanvin.