pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thành phố thời đại Hồ Chí Minh

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, lĩnh vực kinh tế đô thị chiếm 70% GDP cả nước. Có nhiều thách thức trong việc xây dựng hệ thống quản trị lên một cấp độ chức năng và độ khoa học hoàn toàn khác để khai thác tối đa nguồn lực xã hội, bao gồm: Phát triển hệ thống thể chế chính trị, pháp lý và tài chính, mô hình chính quyền địa phương hai cấp, môi trường đầu tư kinh doanh, quy trình ra quyết định chính xác… giúp tăng đáng kể cả số lượng và chất lượng sản xuất đầu ra.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của AI có thể là một bước ngoặt, vượt qua các thách thức đó. Theo các chuyên gia quản trị công, có 2 lĩnh vực nguồn lực chúng ta có thể ứng dụng ngay nhằm lan tỏa sức mạnh của công nghệ trong đổi mới và đột phá phát triển của quản trị đô thị.
1. Nguồn lực xã hội
1.1. Môi trường đầu tư kinh doanh và quản trị đô thị
Tự động hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, quản lý đô thị là cách sử dụng AI phổ biến nhất, vì đầu tư ít tốn kém và dễ triển khai nhất. AI có thể tự động hóa hầu hết các quy trình này. Mọi đơn xin cấp phép có thể được điền hoặc xem xét chỉ trong vài phút.
Dữ liệu có thể được chia sẻ từ cơ quan này sang cơ quan khác mà không cần sự giám sát của con người. AI có thể tự động hóa hàng trăm nhiệm vụ thay thế cho con người, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Do đó, công chức có thể dành thời gian của mình cho các công việc chiến lược quan trọng với tầm nhìn lớn hơn cho thành phố.
1.2. Quan hệ cộng đồng
AI tăng cường mối quan hệ của chính quyền địa phương với cư dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp để phản ánh với các cấp chính quyền.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: Thuận Văn
AI có thể giúp các thành phố trở nên dân chủ hơn, sát với mô hình "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" hơn, bằng cách đơn giản hóa việc tiếp cận cả thông tin và dịch vụ. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy cư dân hợp tác trong mọi loại dự án, AI sẽ tổng hợp những đóng góp của họ thành các khuyến nghị hiệu quả cho thành phố.
Chúng ta cũng có thể hình dung các dịch vụ công năng động, không chỉ là chương trình sáp nhập và quy hoạch đô thị, mà còn là các chương trình xã hội, hoạt động thực thi pháp luật hoặc quy định xây dựng - thích ứng với thời gian thực và nhu cầu thay đổi của cư dân.
2. Nguồn lực sản phẩm
"Quyết định" là sản phẩm trí tuệ đầu vào của con người, có ý nghĩa quan trọng trước mọi hành động và chất lượng sản phẩm đầu ra của xã hội. AI không chỉ trao cơ hội khai thác khối lượng lớn dữ liệu mà còn có khả năng giúp chúng ta khai thác tối đa nguồn lực sản phẩm trí tuệ trong việc cải thiện quá trình ra quyết định của lãnh đạo ở đô thị theo hướng tốt hơn.
Thực tế, các thành phố đều thu thập một kho dữ liệu lớn về môi trường đô thị: chất lượng không khí, tiếng ồn, mức tiêu thụ tiện ích, mật độ giao thông, cấp thoát nước, hoạt động xây dựng và thị trường... nhưng hiếm khi tận dụng tối đa nguồn thông tin này vì không đủ kỹ năng hoặc nguồn lực để xử lý.

Trải nghiệm công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
AI có thể xử lý dữ liệu ở quy mô lớn hơn nhiều, với chi phí thấp hơn so với con người. AI có thể tích hợp nhiều luồng dữ liệu khác nhau như camera, cảm biến, khảo sát, ngôn ngữ… và phân tích, dự đoán, mô phỏng, dự báo xu hướng theo thời gian thực.
AI cũng có thể trở nên tốt hơn theo thời gian, phát hiện các mô hình ẩn và thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi. Ví dụ: AI có thể đưa ra các mô hình MRT (phương tiện giao thông nhanh số đông) cho các trung tâm đô thị, thương mại sầm uất, các bến cảng, sân bay, nhà ga quy mô lớn… để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, làm cản trở sự phát triển.
Trong quy hoạch đô thị, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vừa phát triển hệ thống quy hoạch AI đầu tiên có khả năng vượt trội hơn các kiến trúc sư con người.
Với vị thế của trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước, với hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo xếp hạng 111/1.000 thành phố toàn cầu và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết quả mới nhất về xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh, thành phố thì Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đứng ở tốp 30…
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế của Thành phố trong cuộc cách mạng công nghệ AI, như Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã nêu rõ "đây là công nghệ mũi nhọn, đột phá và cần phải có kế hoạch triển khai nghiên cứu phát triển, ứng dụng ngay vào những lĩnh vực hành chính công"…
AI có tiềm năng giảm quy mô của các bộ máy quan liêu tại các thành phố lớn và tái tạo cách thức chính quyền địa phương đưa ra quyết định, cung cấp dịch vụ và phục vụ người dân một cách hiệu quả. Các nghiên cứu điển hình cho thấy, có 4 yếu tố chính đảm bảo cho chiến lược ứng dụng AI thành công cho thành phố:
Thứ nhất là tầm nhìn: Chiến lược AI thành công phải phù hợp với tầm nhìn đô thị rộng và xa hơn, với mục tiêu và một loạt các ưu tiên rõ ràng. Mục tiêu bắt đầu bằng cách xác định những nhu cầu cấp thiết, tập trung sử dụng các công nghệ mới trên các cơ sở mục tiêu đặt ra.
Nói cách khác, AI không nên được triển khai với mục đích phát triển công nghệ vì AI không phải là một sản phẩm phong trào mà là công cụ để giải quyết các vấn đề cụ thể. Nhìn chung, việc phát triển chiến lược AI không phải là có một tài liệu gọi là "chiến lược AI" mà là thiết lập các mục tiêu và ưu tiên rõ ràng cho thành phố, sau đó xem AI có thể giúp biến bức tranh đó thành hiện thực như thế nào.
Thứ hai, giải tỏa nút thắt trong hệ thống: AI có thể cải thiện hoạt động của thành phố trên mọi lĩnh vực của đời sống đô thị nhưng thường bị các quy định phiền hà, động cơ lệch lạc cản trở. Chính vì vậy, thành phố phải tự chuyển đổi trước khi công nghệ có thể chuyển đổi họ.
Trên mọi phương diện, các nhà lãnh đạo địa phương nên xác định và loại bỏ những trở ngại cản trở sự đổi mới. Điều đó có nghĩa là đảm bảo rằng tinh thần đổi mới mạnh mẽ ở mọi cấp chính quyền.
Trước hết phải xây dựng một môi trường đô thị dân chủ, công bằng vì đổi mới sáng tạo thường là kết quả của tự do, bình đẳng và là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Tiếp theo là phải xây dựng các nhóm AI giải quyết các nút thắt cụ thể trong hệ thống. Cuối cùng là phải có sự kiểm tra, tổng kết và điều chỉnh nhằm đảm bảo chiến lược được đi đúng hướng.
Thứ ba, quan hệ đối tác công tư (PPP): Chính quyền thành phố với chức năng hành pháp mạnh mẽ có thể xây dựng quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Chính quyền thành phố có thể kết nối các công ty khởi nghiệp, các nhà nghiên cứu ở trường đại học để đẩy nhanh quá trình phát triển các sáng kiến hướng đến cộng đồng.
PPP đóng vai trò quan trọng đối với thành công, vì mỗi bên đều mang lại những phẩm chất bổ sung cho nhau.
Thứ tư, nguyên tắc quản trị: Khi triển khai chiến lược AI, thành phố phải thực thi các nguyên tắc quản trị AI có trách nhiệm. Đầu tiên, thành phố nên thành lập các hội đồng giám sát AI để kiểm tra các nguồn dữ liệu và thuật toán về độ chính xác, tính đại diện.
Thứ hai, mọi hệ thống AI giao tiếp với cư dân phải được thử nghiệm để đảm bảo khả năng tiếp cận phù hợp. Thứ ba, thành phố sẽ cần phải có được sự đồng ý và bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Thứ tư, thành phố cần có sự tham gia của công dân trong suốt quá trình thực thi chiến lược.
Cùng với "người bạn đồng hành" AI, Thành phố Hồ Chí Minh, với tầm nhìn Kỷ nguyên vươn mình của đất nước, sẽ viết tiếp những trang sử phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới một Trung tâm đô thị biển logistics và tài chính hiện đại hàng đầu khu vực và thế giới, để lời ca "ngày vui Đại thắng" sẽ âm vang trên từng bước đường thành công của Thành phố trong thời đại Hồ Chí Minh.